Bộ 4 Quyển Happy Của GS Hà Vĩnh Thọ (Happy Families + Happy Organizations + Happy schools + Happy Children):
1. Happy Families - Gia Đình Hạnh Phúc
2. Happy Organizations
3. Happy schools - Mỗi ngày đến trường là một ngày vui
4. Happy Children: Hiểu về sự phát triển của trẻ
-------------------------------------------------------------------
1. Happy Families - Gia Đình Hạnh Phúc - Tiến Sĩ Hà Vĩnh Thọ
Trên tấm thảm dệt nên cuộc sống, có hai mảng màu chính tạo nên hạnh phúc và định hình sự an lạc của gia đình - xã hội: mối quan hệ đôi lứa và hành trình nuôi dạy con. Chúng ta hết mực trân quý vai trò của mình nhưng lại thiếu sự chuẩn bị khi dấn thân vào, việc xây dựng tổ ấm thì bị mặc định là phải tự thực hành rồi rút kinh nghiệm. Dù con cái đến với thế giới này thông qua ta, nhưng chúng là những cá thể biệt lập, có con đường, suy nghĩ và định mệnh riêng. Cha mẹ cho con tình thương, sự dẫn dắt và hỗ trợ, nhưng đừng áp đặt giấc mơ hay khao khát của mình lên con.
Những năm đầu đời của trẻ rất quan trọng, là nền tảng cho bản thể tương lai. Khi thông tỏ về sự phát triển của trẻ, cha mẹ sẽ dấn thân vào hành trình thiêng liêng này một cách thấu cảm và tự tin hơn.
Happy Families - Gia Đình Hạnh Phúc xâu chuỗi lại quá trình học hỏi về mặt chuyên môn lẫn cá nhân. Cuốn sách là bộ chỉ dẫn hoàn thiện: kết hợp giữa kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất với các minh triết thực tiễn đúc rút thông qua quan sát và tham gia vào hành trình trưởng thành của thế hệ con cháu - những đứa trẻ giờ đây đều đã trở thành những người lớn thành công và chín chắn.
Không chỉ vậy, cuốn sách còn đề cập đến các thách thức ngày một cam go của việc nuôi dạy con trong thời hiện đại, đồng thời chỉ ra tác động của công nghệ, áp lực xã hội và nhịp sống gấp gáp lên mô thức giao tiếp trong gia đình cùng các hướng dẫn giúp cha mẹ vượt qua bằng kết quả nghiên cứu khoa học và cả lời khuyên thực tế từ những tình huống có thật.
Happy Families - Gia Đình Hạnh Phúc không chỉ là một cuốn sách mà nên trở thành người bạn đường trên hành trình nuôi dạy con của bạn. Cuốn sách được ra đời để cung cấp cho bạn thêm nguồn lực và sự trợ giúp nhằm tìm ra giải pháp, dù bạn đang đối diện với các chuyển biến vi tế trong hành vi của trẻ, tác động của công nghệ hay vấn đề cân bằng giữa công việc và gia đình.
TS. Hà Vĩnh Thọ chia sẻ: “Happy Families - Gia Đình Hạnh Phúc” dành riêng cho những ai là cha mẹ trẻ. Cuốn sách này tiếp nối Happy Children - Hiểu Về Sự Phát Triển Của Trẻ Để Nuôi Dạy Con An Lạc Và Hạnh Phúc trong việc mang đến các nguyên tắc nền tảng cùng một số đề xuất thực tiễn, chứ không nặng thông tin khoa học, đồng thời nhắm đến đối tượng cha mẹ đang cần các hướng dẫn tức thới, ứng dụng ngay trong cuộc sống bận rộn.
Trích đoạn sách Happy Families - Gia Đình Hạnh Phúc
Ngay từ khi chào đời, trẻ em đã nhanh chóng bắt đầu hành trình phát triển cảm xúc. Các em học cách xác định, biểu đạt và quản lý những cảm xúc đa dạng đồng thời trau dồi kỹ năng vận động, kỹ năng nhận thức và năng lực ngôn ngữ. Tất cả các hoạt động này đồng loạt diễn ra tại cùng một thời điểm. Tuy nhiên, điều trớ trêu ở đây là sự phát triển cảm xúc thường diễn ra một cách âm thầm lặng lẽ trong những năm quan trọng đầu đời. Năng lực xã hội hình thành trong 5 năm đầu tiên có liên quan một cách mật thiết tới sức khỏe tinh thần và đặt nền tảng cho thành công trong học tập cũng như khả năng tạo dựng những mối quan hệ lành mạnh trong suốt cuộc đời của trẻ.
Bây giờ, hãy cùng lướt nhanh đến tuổi trưởng thành. Những kỹ năng xã hội đã được mài giũa trong thời thơ ấu là yếu tố cần thiết để hình thành nên những tình bạn lâu dài, những mối quan hệ thân thiết; giúp phát triển các kỹ năng trong công việc hay đóng góp một cách tích cực cho cộng đồng.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt của vấn đề đó là sự phát triển cảm xúc thường bị lơ là. Bố mẹ và các nhà giáo dục có thể không hiểu hết ý nghĩa của sự phát triển cảm xúc và đánh giá thấp tác động của nó đối với quá trình sinh trưởng và phát triển của trẻ. Trải nghiệm cảm xúc của trẻ cần nhận được nhiều sự chú ý như sự phát triển nhận thức của các em vậy. Việc học cách điều chỉnh cảm xúc cũng chứa đầy thách thức, nếu như không muốn nói là còn thách thức hơn, so với việc học các môn văn hóa. Ngoài ra, nó còn đóng vai trò như một dấu hiệu nhận biết sớm các vấn đề về tâm lý có thể xảy ra trong tương lai của trẻ.
-------------------------------------------------------------------
2. Happy Organizations (Bản Tiếng Việt) - Tiến Sĩ Hà Vĩnh Thọ
Happy Organizations - Hiểu và ứng dụng Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH), hướng tới Lãnh đạo dựa trên sự chuyển hóa
Bạn đã chán ngấy với việc chỉ biết hối hả kiếm tiền?
Bạn muốn tìm kiếm một công thức thành công mới, nơi hạnh phúc được đặt lên hàng đầu?
Đây chính là cuốn sách dành cho bạn!
Lấy cảm hứng từ triết lý tổng thể của Tổng Hạnh phúc Quốc gia (GNH) do Vương quốc Bhutan tiên phong, cuốn sách thách thức các thước đo kinh doanh thông thường vốn ưu tiên lợi ích kinh tế hơn hạnh phúc.
Câu chuyện được mở ra qua con mắt của các nhà lãnh đạo và tổ chức có tầm nhìn xa, những người đã mạnh dạn tích hợp các nguyên tắc GNH vào văn hóa doanh nghiệp của họ, minh họa cho hành trình hướng tới một văn hóa hạnh phúc, nơi coi trọng hạnh phúc của nhân viên, xã hội và môi trường ngang bằng với thành công về mặt tài chính.
Thông qua các nghiên cứu trường hợp thực tế và những hiểu biết hữu ích, cuốn sách này cung cấp một lộ trình cho các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp sẵn sàng bước vào con đường chuyển đổi, thúc đẩy sự cân bằng giữa thành tích vật chất và những khía cạnh sâu sắc hơn của hạnh phúc.
Đây là lời kêu gọi hành động hấp dẫn để tạo ra các tổ chức hạnh phúc hơn, không chỉ thành công theo cách truyền thống mà còn là môi trường nuôi dưỡng cho các thành viên, và là tác nhân tích cực của sự thay đổi xã hội.
Cuốn sách này không chỉ dành cho các nhà lãnh đạo, mà còn cho tất cả những ai mong muốn một môi trường làm việc tốt đẹp hơn.
Cuốn sách Happy Organizations (Bản Tiếng Việt) gồm các chương sau:
1. Tái định hình thành công: Thúc đẩy các doanh nghiệp hạnh phúc với khung lý thuyết Tổng Hạnh phúc Quốc gia
2. Từ vùng chiến sự đến văn hóa doanh nghiệp: Hành trình hướng đến Tổng Hạnh phúc Quốc gia
3.Câu chuyện về Tổng Hạnh phúc Quốc gia: Cách mọi thứ bắt đầu
4. Tại sao chúng ta cần một mô hình phát triển mới?
5. GNH quan trọng hơn GDP
6. Chúng ta đang nói về kiểu hạnh phúc nào?
7. Các nguyên tắc cốt lõi của GNH
8. Chín lĩnh vực của Tổng Hạnh phúc Quốc gia
9. Chín lĩnh vực có liên hệ như thế nào với các tổ chức và doanh nghiệp?
10. Khảo sát GNH tại nơi làm việc
12. Hạnh phúc là gì, nó có thể được đào tạo như thế nào và tại sao nó lại quan trọng trong giới kinh doanh?
13. Ba thể tự nhiên của con người và việc theo đuổi Tổng Hạnh phúc Quốc gia trong kinh doanh
14. Triển khai chỉ số GNH trong bối cảnh doanh nghiệp
15. Mối liên kết và việc triển khai chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc gia (GNH) trong các công ty
16. Hài hòa trong kinh doanh: triển khai Tổng Hạnh phúc Quốc gia tại tập đoàn B. Grimm Thái Lan
17. Rèn luyện và nuôi dưỡng kỹ năng hạnh phúc
18. Chương trình đào tạo đại sứ GNH trong doanh nghiệp
19. Hướng tới văn hóa “GNH” tại Services Industriels De Genève
20. Câu chuyện Mainetti – đo lường điều quan trọng
21. Điều chỉnh các hoạt động, quy trình và hệ thống dựa trên kết quả và giá trị khảo sát GNH
22. “Lãnh đạo và quản lý cộng hưởng” dựa trên hạnh phúc
23. Hành trình Happy BITI’S, một trường hợp điển hình
-------------------------------------------------------------------
3. Happy schools - Mỗi ngày đến trường là một ngày vui
Happy schools là phần mở rộng đặc biệt của cuốn sách Happy Children (cùng tác giả), qua cuốn sách này, Tiến sĩ Hà Vĩnh Thọ và đội ngũ mong muốn mang đến cho các bậc phụ huynh, giáo viên và những nhà hoạch định chính sách giáo dục cùng nghiên cứu về giáo dục những phương án trong khuôn khổ Dự án Trường học Hạnh Phúc, mang đến cho những ai quan tâm đến sự an lạc của trẻ em và thanh thiếu niên một sự động viên, khích lệ thật sự cần thiết trong nỗ lực cải thiện hệ thống giáo dục toàn cầu và cung cấp những hướng dẫn hữu ích, có thể ứng dụng được trong nhà trường.
“Happy schools” của GS Hà Vĩnh Thọ đã phác hoạ những “đường nét” của một trường học hạnh phúc, bắt đầu với những mối quan hệ trong cộng đồng nhà trường và tâm thế tích cực của người thầy, cải thiện điều kiện làm việc cho giáo viên, trang bị những thực hành và kỹ năng giúp giáo viên an lạc, và rồi kiến tạo một môi trường học tập an toàn, thân thiện, ấm áp, nuôi dưỡng sự an lạc, tính kiên cường và trí tò mò ở học sinh.
Cuốn sách giúp giáo viên nhìn thấu suốt những cấu trúc và quy định giáo dục đã chi phối tâm trí ta, và giúp ta khám phá điều cốt lõi của việc cải thiện chất lượng giáo dục, đó là:
- Năng lực lắng nghe và hình dung, khơi mở quan điểm và đồng kiến tạo định nghĩa về thành công cũng như cách chúng ta nhìn nhận nó;
- Khả năng học hỏi và thiết kế, mang lại sự tò mò và tư duy phản biện, coi trọng quyền tự chủ của người học và hướng đến năng lực tư duy cao;
- Định hướng nuôi dưỡng tình thương và sự kết nối, xây dựng các mối quan hệ, nuôi dưỡng cảm thức thuộc về, dung dưỡng văn hóa và tính nhân văn;
- Sự sẵn lòng phản tư và học hỏi, đặt xuống những điều đã biết và học hỏi điều mới ở tất cả các cấp độ trong hệ thống giáo dục.
Với thông điệp từ cuốn sách Happy School – Thầy cô là cha mẹ, trường học là nhà, mong rằng mỗi ngày đến trường sẽ là một ngày hạnh phúc trọn vẹn đối với các học sinh.
Trích đoạn sách
Câu chuyện số 1: Chuyển dịch điểm nhìn: Niềm vui thay vì cạnh tranh
Giáo dục Việt Nam có văn hóa thi đua mạnh mẽ. Thi đua trong nhiều lĩnh vực như hát, múa, viết thư, vẽ tranh, làm thơ, sáng tạo khoa học, v.v... Ở trường mẫu giáo từng có các cuộc thi xem ai mặc đồng phục nhanh nhất và gọn gàng nhất. Thi đua được sử dụng như một phương pháp để thúc đẩy động lực tham gia, phấn đấu của học sinh. Kết quả là trẻ thường gắn “thành tích”, “cảm giác tự hào”, “chiến thắng”... với niềm vui. Áp lực “thành tích” cũng tác động đến giáo viên bởi thành tích của học sinh trở thành thước đo năng lực giáo dục của thầy cô.
Gần đây, chúng tôi được nghe câu chuyện của cô Nguyệt, một giáo viên lớp 4 thuộc Dự án Trường học Hạnh phúc ở Huế. Từ khi ra mắt chương trình giáo dục quốc gia mới – “Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, các trường đã nỗ lực tổ chức các hoạt động học tập trải nghiệm nhiều hơn, với chủ ý dịch chuyển dần khỏi việc học tập thuần lý thuyết. Học kỳ trước đó, trường cô Nguyệt có tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Học sinh được khuyến khích vẽ những điều ước cho thiên nhiên nhằm xây dựng nhận thức về môi trường. Sau khi cuộc thi kết thúc, một nhóm học sinh ào đến chỗ cô và hỏi: “Cô ơi, lớp mình có giải không cô?”. Quan sát biểu hiện của các em, cô hỏi: “Hồi sáng, các con thi vẽ vui không?”. “Dạ vui, cô!”, các em đáp. Cô hỏi tiếp: “Vậy các con đã thể hiện được hết ý tưởng của mình chưa?”.
“Dạ rồi”, học sinh trả lời.
Cô Nguyệt nói: “Vậy là các con đã giành được một phần thưởng lớn rồi đó. Phần thưởng mang tên Niềm Vui”. Các em học sinh nghe vậy liền mỉm cười.
Sau đó, cô Nguyệt đã tường thuật lại sự việc và chia sẻ những suy nghĩ chân thành của bản thân lên trang cá nhân trên mạng xã hội: “Theo tôi, môn học hay trải nghiệm chỉ là một phương tiện để giúp các em phát huy tiềm năng của mình. Thông qua môn học hoặc trải nghiệm, con em chúng ta học cách thể hiện bản thân một cách tự tin, học cách chịu trách nhiệm, học cách hợp tác và cùng nhau đạt được kết quả, học cách hỗ trợ lẫn nhau. Và điều quan trọng nhất là các em học cách tham gia, khám phá với sự nhiệt tình cùng niềm đam mê, và các em tận hưởng niềm vui trong quá trình học tập đó. Đối với tôi, hóa ra đó mới chính là giải thưởng lớn lao nhất.”
Công ty Cổ phần Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!
------------------------------------------------------------------------------------------
4. HAPPY CHILDREN: Hiểu về sự phát triển của trẻ
Sự chào đời là một sự kiện bí ẩn và đầy nghịch lý. Một mặt, sinh tử là trải nghiệm phổ quát nhất được chia sẻ bởi tất cả chúng sinh. Mặt khác, mỗi sự chào đời lại là một điều kỳ diệu, một sự kiện duy nhất thay đổi mãi mãi cuộc đời của rất nhiều người. Đó cũng là một sự kiện cuộc đời mà chúng ta chỉ biết qua lời kể của mọi người vì thường thì không ai có thể nhớ được gì về thời điểm quan trọng này, khi bản thân lần đầu tiên có mặt trên đời, trong hình hài của một con người.
Hạnh phúc biết bao khi một đứa trẻ chào đời khỏe mạnh, và cũng thật lo lắng biết bao khi đón một đứa trẻ gặp khó khăn hoặc bệnh tật ra đời. Là cha mẹ, chúng ta rất dễ bị tổn thương và tình yêu của chúng ta chính là nguồn gốc của sự lo lắng. Khoảnh khắc chào đời này chỉ là khởi đầu của một hành trình dài sẽ tiếp tục trong suốt cuộc đời của chúng ta.
Hầu hết các bậc cha mẹ đều mong muốn những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với con cái mình và đó là lý do tôi viết cuốn sách, với hy vọng nó sẽ phần nào hỗ trợ các bậc cha mẹ một số hiểu biết về trẻ em, sự phát triển, nhu cầu của chúng và bằng cách chia sẻ một số kinh nghiệm chăm sóc nuôi dạy trẻ, hy vọng sẽ giúp ích cho các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục.
Ba khía cạnh phụ thuộc lẫn nhau trong phát triển khi chúng ta cố gắng tìm hiểu một đứa trẻ, có một số yếu tố tương tác theo những cách phức tạp:
- Đầu tiên là yếu tố di truyền. Yếu tố này đóng vai trò quan trọng nhưng, không giống như động vật, chỉ hiểu về yếu tố di truyền thì không đủ để hiểu sự phát triển và hành vi của con người.
- Yếu tố quan trọng thứ hai là môi trường, bắt đầu với gia đình, bạn bè và kế đến là xã hội nói chung.
- Nhưng cũng có một chiều thứ ba khá bí ẩn, đó là chính bản thân đứa trẻ.
Là cha mẹ, nếu ai có nhiều hơn một đứa con, chúng ta sẽ biết rất rõ rằng trải nghiệm sinh nở mỗi lần đều khác nhau và mỗi đứa trẻ sẽ là một cá thể duy nhất. Mặc dù hai đứa trẻ có cùng cha mẹ, lớn lên trong cùng một gia đình, cùng khu phố, học cùng trường và chơi với cùng bạn bè nhưng chúng có thể trở nên rất khác nhau, mỗi đứa có một tính cách khác biệt, có những thị hiếu, sở thích, tài năng riêng và có thể có nhiều điểm khác nhau khi lớn lên. Chúng ta phải nhận định rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể duy nhất. Mỗi người được sinh ra với những thôi thúc riêng, ý định riêng, số phận riêng. Và chúng ta phải tôn trọng điều đó. Chúng ta không ở đây để quyết định đứa trẻ nên trở thành người như thế nào. Chúng ta ở đây để tạo điều kiện tốt nhất có thể giúp đứa trẻ dần dần tìm thấy sứ mệnh và số phận của chính mình.
Cuốn sách gồm 3 phần:
Phần 1 – Hiểu về sự phát triển của trẻ
Phần 2 - Nuôi dạy con với sự chú tâm
Phần 3 - Trường học Hạnh phúc
Trích đoạn sách hay
Trong những năm đầu đời, ở trẻ có hai khía cạnh phát triển chiếm ưu thế. Khía cạnh đầu tiên là dần dần thành thạo các kỹ năng vận động thô và tinh, khía cạnh còn lại là tỉnh thức với thế giới thông qua nhận thức giác quan.
Đứa trẻ đang dần nắm bắt được thân thể của mình, học cách sử dụng và điều khiển những thứ xung quanh nó thông qua các chuyển động như biểu hiện của ý chí. Sự kiên trì, quyết tâm và ý chí mà một đứa trẻ thể hiện khi tập đi, điều khiển đồ vật, xây dựng một tòa tháp nhỏ bằng các khối gỗ hoặc học cách tự ăn sẽ khiến ta vô cùng ấn tượng. Trẻ cố gắng nhiều lần, không để thất bại làm nản lòng và ngày càng thu nạp được nhiều kỹ năng hơn, bất chấp những trở ngại. Như đã đề cập, việc lặp đi lặp lại các chuyển động tạo ra các đường dẫn truyền thần kinh trong não, từ đó giúp tinh chỉnh các kỹ năng vận động. Quá trình tuần hoàn này cần thời gian, sự kiên nhẫn và bền bỉ. Nếu chúng ta có thể duy trì chỉ một phần cường độ này khi trưởng thành thì tiềm năng học tập của chúng ta sẽ là vô hạn.
….
Khía cạnh thiết yếu khác của thời thơ ấu là, lúc này, đứa trẻ giống như một miếng bọt biển. Nếu bạn đặt miếng bọt biển trong chất lỏng màu đỏ, miếng bọt biển sẽ thấm và chuyển thành màu đỏ; nếu bạn đặt miếng bọt biển trong chất lỏng màu xanh lam, miếng bọt biển sẽ dần chuyển sang màu xanh lam. Tương tự như vậy, dù ở trong môi trường nào, trẻ cũng sẽ hoàn toàn đắm mình trong môi trường đó, không có bộ lọc, không có sự lựa chọn. Toàn bộ xung quanh đều có tác động sâu sắc, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và các cơ quan khác.