Combo 2 Quyển: Đi Tìm Lẽ Sống + Tu Giữa Đời Thường:
1. Đi Tìm Lẽ Sống
2. Tu Giữa Đời Thường
------------------------------------------------------------------------------------------------
1. Đi Tìm Lẽ Sống
Đi Tìm Lẽ Sống Đi tìm lẽ sống của Viktor Frankl là một trong những quyển sách kinh điển của thời đại. Thông thường, nếu một quyển sách chỉ có một đoạn văn, một ý tưởng có sức mạnh thay đổi cuộc sống của một người, thì chỉ riêng điều đó cũng đã đủ để chúng ta đọc đi đọc lại và dành cho nó một chỗ trên kệ sách của mình. Quyển sách này có nhiều đoạn văn như thế. Trước hết, đây là quyển sách viết về sự sinh tồn.
Giống như nhiều người Do Thái sinh sống tại Đức và Đông Âu khi ấy, vốn nghĩ rằng mình sẽ được an toàn trong những năm 1930, Frankl đã trải qua khoảng thời gian chịu nhiều nghiệt ngã trong trại tập trung và trại hủy diệt của Đức quốc xã. Điều kỳ diệu là ông đã sống sót, cụm từ “thép đã tôi thế đấy” có thể lột tả chính xác trường hợp này.
Nhưng trong Đi tìm lẽ sống, tác giả ít đề cập đến những khó nhọc, đau thương, mất mát mà ông đã trải qua, thay vào đó ông viết về những nguồn sức mạnh đã giúp ông tồn tại. Ông chua xót kể về những tù nhân đã đầu hàng cuộc sống, mất hết hy vọng ở tương lai và chắc hẳn là những người đầu tiên sẽ chết. Ít người chết vì thiếu thức ăn và thuốc men, mà phần lớn họ chết vì thiếu hy vọng, thiếu một lẽ sống. Ngược lại, Frankl đã nuôi giữ hy vọng để giữ cho mình sống sót bằng cách nghĩ về người vợ của mình và trông chờ ngày gặp lại nàng.
Ông còn mơ ước sau chiến tranh sẽ được thuyết giảng về các bài học tâm lý ông đã học được từ trại tập trung Auschwitz. Rõ ràng có nhiều tù nhân khao khát được sống đã chết, một số chết vì bệnh, một số chết vì bị hỏa thiêu. Trong tập sách này, Frankl tập trung lý giải nguyên nhân vì sao có những người đã sống sót trong trại tập trung của phát xít Đức hơn là đưa ra lời giải thích cho câu hỏi vì sao phần lớn trong số họ đã không bao giờ trở về nữa. Nhiệm vụ lớn lao nhất của mỗi người là tìm ra ý nghĩa trong cuộc sống của mình.
Frankl đã nhìn thấy ba nguồn ý nghĩa cơ bản của đời người: thành tựu trong công việc, sự quan tâm chăm sóc đối với những người thân yêu và lòng can đảm khi đối mặt với những thời khắc gay go của cuộc sống. Đau khổ tự bản thân nó không có ý nghĩa gì cả, chính cách phản ứng của chúng ta mới khoác lên cho chúng ý nghĩa.
Frankl đã viết rằng một người “có thể giữ vững lòng quả cảm, phẩm giá và sự bao dung, hoặc người ấy có thể quên mất phẩm giá của con người và tự đặt mình ngang hàng loài cầm thú trong cuộc đấu tranh khắc nghiệt để sinh tồn”. Ông thừa nhận rằng chỉ có một số ít tù nhân của Đức quốc xã là có thể giữ được những phẩm chất ấy, nhưng “chỉ cần một ví dụ như thế cũng đủ chứng minh rằng sức mạnh bên trong của con người có thể đưa người ấy vượt lên số phận nghiệt ngã của mình”.
------------------------------------------------------------------------------------------------
2. Tu Giữa Đời Thường
-Minh triết phương Đông trong đời sống hiện đại-
Thế giới hiện đại, đặc biệt là nhịp sống hối hả của môi trường đô thị khiến con người ngày càng mất kết nối với tự nhiên, rời xa bản chất đích thực để chạy theo các khuôn mẫu bên ngoài. Khủng hoảng của con người đô thị hiện đại diễn ra ở hầu hết các khía cạnh đời sống, khiến chúng ta kiệt sức, thiếu thời gian, rơi vào lối sống trì trệ, chán ghét bản thân và không tìm thấy ý nghĩa sống.
Pedram Shojai – một tu sĩ Đạo giáo và môn sinh Phật giáo, đã xác định gốc rễ các khủng hoảng của con người đô thị đều bắt nguồn từ lối sống không lành mạnh và tình trạng căng thẳng không thể kiểm soát. Trong cuốn sách “Tu giữa đời thường” (tựa gốc: “The Urban Monk”), ông đã lên một chương trình cải thiện lối sống toàn diện thông qua minh triết và các phương pháp thực hành phương Đông, từ thiền định, khí công đến các ứng dụng Đông y.
Thấu hiểu nhịp sống bận rộn của con người thời hiện đại, Pedram Shojai không đòi hỏi bạn đọc phải tham dự các khóa tu thiền, xuất gia hay theo đuổi một lối tu hành khổ hạnh, mà cung cấp giải pháp cho những vấn đề thiết thực đang diễn ra hằng ngày. Tác giả đã đề ra chương trình cải thiện lối sống giúp bạn sống chậm lại, có thêm năng lượng và tập trung vào những điều thực sự quan trọng.
Nằm trongdanh sách “Những cuốn sách bán chạy nhất” của tờ New York Times, “Tu giữa đời thường” giúp người đọc khai mở nhận thức và sức mạnh vốn có của bản thân, tìm thấy bản chất chân thật của mình thông qua các bài tập thực hành, giúp người đọc biết cách lèo lái để vượt qua những giai đoạn gập ghềnh trong đời. Những đúc kết đầy minh triết từ kho tàng trí tuệ phương Đông và các bài tập thực hành vô giá của ông nhằm giúp mỗi người tìm được sự bình an và trật tự ngay trong thế giới mà họ đang sống.
Cuốn sáchgồm mười chương, mỗi chương đề cập đến một vấn đề chính yếu của cuộc sống mà hầu hết chúng ta gặp phải trong thế giới hiện đại, như: áp lực, sự eo hẹp về thời gian, thiếu năng lượng, các vấn đề về giấc ngủ, lối sống trì trệ, chế độ ăn uống kém lành mạnh, mất kết nối với tự nhiên, cô đơn, các vấn đề tiền bạc, thiếu ý nghĩa và mục đích sống.
Mở đầu mỗi chương là câu chuyện của một bệnh nhân đại diện cho một “chứng bệnh thành thị” điển hình mà người đó gặp phải. Đó có thể là nỗi sợ thiên nhiên của chàng trai thành thị Ethen, cuộc sống ngập tràn căng thẳng của anh chàng luật sư Robert, tình cảnh “túng thiếu thời gian” của bà mẹ hai con Ashley, hay lối sống trì trệ bám lấy cô nhân viên văn phòng Stacy… Những trường hợp này được tác giả chọn lọc cẩn thận trong hàng nghìn buổi gặp gỡ giữa ông với các bệnh nhân suốt nhiều năm qua, với kiến thức chuyên môn của một bác sĩ và sự thông tuệ của một tu sĩ.
Mỗi một chương, tác giả đều nêu “Vấn đề”, giúp người đọc nhận diện bản chất của tình huống và phân tích nó theo những góc nhìn mới mẻ. Để giúp người đọc thấy được lối ra của vấn đề, tác giả đã đúc kết từ triết lý bí truyền của các nền văn hóa phương Đông, cung cấp cho độc giả một cách nhìn khác về các vấn đề của bản thân trong phần “Minh triết dành cho người tu tại thị”.
Pedram Shojai cũng giới thiệu “Các phương pháp thực hành phương Đông”, đúc kết từ kho tàng trí tuệ cổ xưa và những truyền thống lâu đời – những phương pháp thực hành đã được chứng nghiệm là đơn giản, tao nhã và có hiệu quả đối với con người hàng ngàn năm qua. Phần “Các chiêu thức tu tập thời hiện đại” sẽ gồm các bài tập thực hành, các ứng dụng và kỹ thuật hiệu nghiệm cho những vấn đề đặc trưng của thời đại mà chúng ta đang phải đối mặt.
Cuối cùng, mỗi chương được khép lại bằng “Kế hoạch hành động”, với giải pháp cụ thể. Theo tác giả các bài luyện tập trong sách là phương pháp thực hành chuyên sâu, nó có thể đưa ra một kế hoạch hành động, lịch trình và một khung tham chiếu giúp bạn thành công.
Tự nhận mình là một tu sĩ sống giữa chốn thị thành, một người “tu giữa đời thường”, Pedram Shojai xem cuộc sống như một dòng chảy tuyệt vời của những trải nghiệm, những bài học, những cuộc phiêu lưu và cơ hội để lan toả lòng tốt đến bất cứ nơi nào mà ta hiện diện. Tác giả hy vọng, thông qua cuốn sách “Tu giữa đời thường”, bạn đọc sẽ học được cách thoát khỏi những khủng hoảng của con người chốn thành thị để tìm thấy chính mình và sống một cuộc đời trọn vẹn.
Người nổi tiếng nói gì về tác phẩm
- “Với sự kết hợp giữa y học phương Tây hiện tại và minh triết phương Đông cổ xưa, các bài thực hành đơn giản, tao nhã của bác sĩPedram Shojai sẽ giúp bạn giảm cân, có thêm năng lượng và tối ưu cuộc đời mình để trở thành một người ‘tu giữa đời thường’ ngay cả trong môi trường áp lực nhất." - JJ Virgin, tác giả sách bán chạy nhất New York Times.
- "Hài hước, thực tiễn và trung thực, Pedram Shojai giống như một người bạn, một giáo viên đáng tin cậy cung cấp cho bạn một bộ quy tắc hướng dẫn đầy đủ và tinh tế" - Rick Hanson, nhà tâm lý học, tác giả sách bán chạy nhất New York Times.
- “Chúng ta biết rằng cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khoẻ ở phương Tây không thể giải quyết chỉ bằng những viên thuốc, mà yếu tố then chốt nằm ở lối sống của mọi người. Cuốn sách ‘Tu giữa đời thường’ đã đưa ra một lối sống cân bằng không chỉ mang lại sức khoẻ mà còn giúp chúng ta mỉm cười thư giãn trong lúc áp dụng các bài thực hành trong sách. Cuốn sách thực sự bổ ích cho những ai muốn có được sức khoẻ tốt trong nhịp sống hối hả ngày nay". - Mark Hyman, bác sĩ y khoa, Giám đốc Phòng khám Cleveland Clinic Center for Functional Medicine, tác giả sách bán chạy nhất New York Times.
Về tác giả
Pedram Shojai (sinh năm 1975) là một tu sĩ Đạo giáo, bác sĩ Đông y và là người sáng lập trang Well.org. Ông cũng là nhà sản xuất của bộ phim Vitality and Origins (tạm dịch: Sức sống và Nguồn cội), và là đồng sở hữu podcast tư vấn chăm sóc sức khoẻ The Health Bridge. Ông cũng được tôn vinh là một bậc thầy về khí công, thảo dược học. Pedram đã dẫn dắt các buổi hội thảo và trị liệu cho bệnh nhân trên khắp thế giới. Ông cũng đồng thời là người sáng lập Taoist Path School of Alchemy (Học viện Thuật giả kim của Đạo giáo). Ngoài ra, ông còn là một giáo sĩ được sắc phong của Tu viện Hoàng Long tại Trung Quốc.