Combo 2 Quyển: Happy Children + Happy Schools (Giáo Sư Hà Vĩnh Thọ):
1. Happy Children
2. Happy Schools
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
1. Happy Children
Sự chào đời là một sự kiện bí ẩn và đầy nghịch lý. Một mặt, sinh tử là trải nghiệm phổ quát nhất được chia sẻ bởi tất cả chúng sinh. Mặt khác, mỗi sự chào đời lại là một điều kỳ diệu, một sự kiện duy nhất thay đổi mãi mãi cuộc đời của rất nhiều người. Đó cũng là một sự kiện cuộc đời mà chúng ta chỉ biết qua lời kể của mọi người vì thường thì không ai có thể nhớ được gì về thời điểm quan trọng này, khi bản thân lần đầu tiên có mặt trên đời, trong hình hài của một con người.
Hạnh phúc biết bao khi một đứa trẻ chào đời khỏe mạnh, và cũng thật lo lắng biết bao khi đón một đứa trẻ gặp khó khăn hoặc bệnh tật ra đời. Là cha mẹ, chúng ta rất dễ bị tổn thương và tình yêu của chúng ta chính là nguồn gốc của sự lo lắng. Khoảnh khắc chào đời này chỉ là khởi đầu của một hành trình dài sẽ tiếp tục trong suốt cuộc đời của chúng ta.
Hầu hết các bậc cha mẹ đều mong muốn những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với con cái mình và đó là lý do tôi viết cuốn sách, với hy vọng nó sẽ phần nào hỗ trợ các bậc cha mẹ một số hiểu biết về trẻ em, sự phát triển, nhu cầu của chúng và bằng cách chia sẻ một số kinh nghiệm chăm sóc nuôi dạy trẻ, hy vọng sẽ giúp ích cho các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục.
Ba khía cạnh phụ thuộc lẫn nhau trong phát triển khi chúng ta cố gắng tìm hiểu một đứa trẻ, có một số yếu tố tương tác theo những cách phức tạp:
- Đầu tiên là yếu tố di truyền. Yếu tố này đóng vai trò quan trọng nhưng, không giống như động vật, chỉ hiểu về yếu tố di truyền thì không đủ để hiểu sự phát triển và hành vi của con người.
- Yếu tố quan trọng thứ hai là môi trường, bắt đầu với gia đình, bạn bè và kế đến là xã hội nói chung.
- Nhưng cũng có một chiều thứ ba khá bí ẩn, đó là chính bản thân đứa trẻ.
Là cha mẹ, nếu ai có nhiều hơn một đứa con, chúng ta sẽ biết rất rõ rằng trải nghiệm sinh nở mỗi lần đều khác nhau và mỗi đứa trẻ sẽ là một cá thể duy nhất. Mặc dù hai đứa trẻ có cùng cha mẹ, lớn lên trong cùng một gia đình, cùng khu phố, học cùng trường và chơi với cùng bạn bè nhưng chúng có thể trở nên rất khác nhau, mỗi đứa có một tính cách khác biệt, có những thị hiếu, sở thích, tài năng riêng và có thể có nhiều điểm khác nhau khi lớn lên. Chúng ta phải nhận định rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể duy nhất. Mỗi người được sinh ra với những thôi thúc riêng, ý định riêng, số phận riêng. Và chúng ta phải tôn trọng điều đó. Chúng ta không ở đây để quyết định đứa trẻ nên trở thành người như thế nào. Chúng ta ở đây để tạo điều kiện tốt nhất có thể giúp đứa trẻ dần dần tìm thấy sứ mệnh và số phận của chính mình.
Cuốn sách gồm 3 phần:
Phần 1 – Hiểu về sự phát triển của trẻ
Phần 2 - Nuôi dạy con với sự chú tâm
Phần 3 - Trường học Hạnh phúc
Trích đoạn sách hay
Trong những năm đầu đời, ở trẻ có hai khía cạnh phát triển chiếm ưu thế. Khía cạnh đầu tiên là dần dần thành thạo các kỹ năng vận động thô và tinh, khía cạnh còn lại là tỉnh thức với thế giới thông qua nhận thức giác quan.
Đứa trẻ đang dần nắm bắt được thân thể của mình, học cách sử dụng và điều khiển những thứ xung quanh nó thông qua các chuyển động như biểu hiện của ý chí. Sự kiên trì, quyết tâm và ý chí mà một đứa trẻ thể hiện khi tập đi, điều khiển đồ vật, xây dựng một tòa tháp nhỏ bằng các khối gỗ hoặc học cách tự ăn sẽ khiến ta vô cùng ấn tượng. Trẻ cố gắng nhiều lần, không để thất bại làm nản lòng và ngày càng thu nạp được nhiều kỹ năng hơn, bất chấp những trở ngại. Như đã đề cập, việc lặp đi lặp lại các chuyển động tạo ra các đường dẫn truyền thần kinh trong não, từ đó giúp tinh chỉnh các kỹ năng vận động. Quá trình tuần hoàn này cần thời gian, sự kiên nhẫn và bền bỉ. Nếu chúng ta có thể duy trì chỉ một phần cường độ này khi trưởng thành thì tiềm năng học tập của chúng ta sẽ là vô hạn.
….
Khía cạnh thiết yếu khác của thời thơ ấu là, lúc này, đứa trẻ giống như một miếng bọt biển. Nếu bạn đặt miếng bọt biển trong chất lỏng màu đỏ, miếng bọt biển sẽ thấm và chuyển thành màu đỏ; nếu bạn đặt miếng bọt biển trong chất lỏng màu xanh lam, miếng bọt biển sẽ dần chuyển sang màu xanh lam. Tương tự như vậy, dù ở trong môi trường nào, trẻ cũng sẽ hoàn toàn đắm mình trong môi trường đó, không có bộ lọc, không có sự lựa chọn. Toàn bộ xung quanh đều có tác động sâu sắc, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và các cơ quan khác.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
2. Happy schools
Happy schools là phần mở rộng đặc biệt của cuốn sách Happy Children (cùng tác giả), qua cuốn sách này, Tiến sĩ Hà Vĩnh Thọ và đội ngũ mong muốn mang đến cho các bậc phụ huynh, giáo viên và những nhà hoạch định chính sách giáo dục cùng nghiên cứu về giáo dục những phương án trong khuôn khổ Dự án Trường học Hạnh Phúc, mang đến cho những ai quan tâm đến sự an lạc của trẻ em và thanh thiếu niên một sự động viên, khích lệ thật sự cần thiết trong nỗ lực cải thiện hệ thống giáo dục toàn cầu và cung cấp những hướng dẫn hữu ích, có thể ứng dụng được trong nhà trường.
“Happy schools” của GS Hà Vĩnh Thọ đã phác hoạ những “đường nét” của một trường học hạnh phúc, bắt đầu với những mối quan hệ trong cộng đồng nhà trường và tâm thế tích cực của người thầy, cải thiện điều kiện làm việc cho giáo viên, trang bị những thực hành và kỹ năng giúp giáo viên an lạc, và rồi kiến tạo một môi trường học tập an toàn, thân thiện, ấm áp, nuôi dưỡng sự an lạc, tính kiên cường và trí tò mò ở học sinh.
Cuốn sách giúp giáo viên nhìn thấu suốt những cấu trúc và quy định giáo dục đã chi phối tâm trí ta, và giúp ta khám phá điều cốt lõi của việc cải thiện chất lượng giáo dục, đó là:
- Năng lực lắng nghe và hình dung, khơi mở quan điểm và đồng kiến tạo định nghĩa về thành công cũng như cách chúng ta nhìn nhận nó;
- Khả năng học hỏi và thiết kế, mang lại sự tò mò và tư duy phản biện, coi trọng quyền tự chủ của người học và hướng đến năng lực tư duy cao;
- Định hướng nuôi dưỡng tình thương và sự kết nối, xây dựng các mối quan hệ, nuôi dưỡng cảm thức thuộc về, dung dưỡng văn hóa và tính nhân văn;
- Sự sẵn lòng phản tư và học hỏi, đặt xuống những điều đã biết và học hỏi điều mới ở tất cả các cấp độ trong hệ thống giáo dục.
Với thông điệp từ cuốn sách Happy School – Thầy cô là cha mẹ, trường học là nhà, mong rằng mỗi ngày đến trường sẽ là một ngày hạnh phúc trọn vẹn đối với các học sinh.
Trích đoạn sách
Câu chuyện số 1: Chuyển dịch điểm nhìn: Niềm vui thay vì cạnh tranh
Giáo dục Việt Nam có văn hóa thi đua mạnh mẽ. Thi đua trong nhiều lĩnh vực như hát, múa, viết thư, vẽ tranh, làm thơ, sáng tạo khoa học, v.v... Ở trường mẫu giáo từng có các cuộc thi xem ai mặc đồng phục nhanh nhất và gọn gàng nhất. Thi đua được sử dụng như một phương pháp để thúc đẩy động lực tham gia, phấn đấu của học sinh. Kết quả là trẻ thường gắn “thành tích”, “cảm giác tự hào”, “chiến thắng”... với niềm vui. Áp lực “thành tích” cũng tác động đến giáo viên bởi thành tích của học sinh trở thành thước đo năng lực giáo dục của thầy cô.
Gần đây, chúng tôi được nghe câu chuyện của cô Nguyệt, một giáo viên lớp 4 thuộc Dự án Trường học Hạnh phúc ở Huế. Từ khi ra mắt chương trình giáo dục quốc gia mới – “Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, các trường đã nỗ lực tổ chức các hoạt động học tập trải nghiệm nhiều hơn, với chủ ý dịch chuyển dần khỏi việc học tập thuần lý thuyết. Học kỳ trước đó, trường cô Nguyệt có tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Học sinh được khuyến khích vẽ những điều ước cho thiên nhiên nhằm xây dựng nhận thức về môi trường. Sau khi cuộc thi kết thúc, một nhóm học sinh ào đến chỗ cô và hỏi: “Cô ơi, lớp mình có giải không cô?”. Quan sát biểu hiện của các em, cô hỏi: “Hồi sáng, các con thi vẽ vui không?”. “Dạ vui, cô!”, các em đáp. Cô hỏi tiếp: “Vậy các con đã thể hiện được hết ý tưởng của mình chưa?”.
“Dạ rồi”, học sinh trả lời.
Cô Nguyệt nói: “Vậy là các con đã giành được một phần thưởng lớn rồi đó. Phần thưởng mang tên Niềm Vui”. Các em học sinh nghe vậy liền mỉm cười.
Sau đó, cô Nguyệt đã tường thuật lại sự việc và chia sẻ những suy nghĩ chân thành của bản thân lên trang cá nhân trên mạng xã hội: “Theo tôi, môn học hay trải nghiệm chỉ là một phương tiện để giúp các em phát huy tiềm năng của mình. Thông qua môn học hoặc trải nghiệm, con em chúng ta học cách thể hiện bản thân một cách tự tin, học cách chịu trách nhiệm, học cách hợp tác và cùng nhau đạt được kết quả, học cách hỗ trợ lẫn nhau. Và điều quan trọng nhất là các em học cách tham gia, khám phá với sự nhiệt tình cùng niềm đam mê, và các em tận hưởng niềm vui trong quá trình học tập đó. Đối với tôi, hóa ra đó mới chính là giải thưởng lớn lao nhất.”
Công ty Cổ phần Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!