Combo 2 Quyển: Tôi Tự Học + Nghề Thầy:
1. Tôi Tự Học
2. Nghề Thầy
-----------------------------------------------------------------------------------
1. Tôi Tự Học - Thu Giang Nguyễn Duy Cần
Sách “Tôi tự học” của tác giả Nguyễn Duy Cần đề cập đến khái niệm, mục đích của học vấn đối với con người đồng thời nêu lên một số phương pháp học tập đúng đắn và hiệu quả. Tác giả cho rằng giá trị của học vấn nằm ở sự lĩnh hội và mở mang tri thức của con người chứ không đơn thuần thể hiện trên bằng cấp. Trong xã hội ngày nay, không ít người quên đi ý nghĩa đích thực của học vấn, biến việc học của mình thành công cụ để kiếm tiền nhưng thực ra nó chỉ là phương tiện để đưa con người đến thành công mà thôi. Bởi vì học không phải để lấy bằng mà học còn để “biết mình” và để “đối nhân xử thế”.
Cuốn sách này tuy đã được xuất bản từ rất lâu nhưng giá trị của sách vẫn còn nguyên vẹn. Những tư tưởng, chủ đề của sách vẫn phù hợp và có thể áp dụng trong đời sống hiện nay. Thiết nghĩ, cuốn sách này rất cần cho mọi đối tượng bạn đọc vì không có giới hạn nào cho việc truy tầm kiến thức, việc học là sự nghiệp lâu dài của mỗi con người. Đặc biệt, cuốn sách là một tài liệu quý để các bạn học sinh – sinh viên tham khảo, tổ chức lại việc học của mình một cách hợp lý và khoa học. Các bậc phụ huynh cũng cần tham khảo sách này để định hướng và tư vấn cho con em mình trong quá trình học tập.
-----------------------------------------------------------------------------------
2. Nghề Thầy - Hoàng Đạo Thuý
NGHỀ THẦY - NHỮNG TÂM SỰ CÒN NÓNG HỔI SAU GẦN 80 NĂM
"Tôi nhận được lời mời viết lời giới thiệu cho cuốn “Nghề thầy” của cụ Hoàng Đạo Thúy (1900-1994) giữa lúc làn sóng phê bình sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 vừa lắng xuống.
Bởi thế, tôi đã đọc bản thảo cuốn sách trong một tâm trạng rất đặc biệt với không biết bao nhiêu mối liên tưởng dọc ngang giống như từng đợt sóng.
Hiện thực ngổn ngang của giáo dục hiện tại và những lời gan ruột của một người thầy nổi tiếng, thần tượng của nhiều thế hệ thanh niên, đã làm tôi chìm đắm trong nhiều suy ngẫm và liên tưởng.
Đã gần 80 năm trôi qua kể từ khi cuốn sách “Nghề thầy” được xuất bản lần đầu tiên (1944). Tuy nhiên, chong đèn lên và đọc nó trong tâm thế không rời bỏ những ngổn ngang của hiện thực và kìm nén suy tư, ta sẽ thấy những gì cụ viết trong cuốn sách, những lời tâm sự mà cụ giãi bày trong cuốn sách mỏng này vẫn còn nóng hổi.
Tất nhiên, có người sẽ bảo “in lại một cuốn sách đã xuất bản từ 1944 có cần thiết không khi mọi thứ ở đó đã trở thành…đồ cổ?”.
Không! Nhiều thứ, kể cả những tri thức giáo dục học ở trong sách vẫn còn nóng hổi! Cho dù chỉ là một cuốn sách mỏng, viết dưới dạng những lời tâm sự, chia sẻ về chuyện nghề của một người thầy cả đời tâm huyết hơn là một công trình khảo cứu công phu của một học giả chủ trương lập thuyết, nhưng kì lạ thay, đa số những vấn đề mà tác giả đặt ra, bàn luận, hướng dẫn cho đến hôm nay vẫn chưa hề cũ, thậm chí là còn rất mới, thậm chí nhiều giáo viên đương đại còn chưa với tới.
Nếu loại trừ đi cách dùng từ ngữ cổ kính mang dấu ấn của thời đại đã qua và tạm thay vào đó bằng một số từ ngữ đang được dùng phổ biến thậm chí là “thời thượng” ở hiện tại, ta sẽ thấy hình như cuốn sách được viết cho chính chúng ta, cho chính những người đang làm “nghề thầy” trong thế kỉ XXI này!
[]
Sẽ còn rất nhiều điều hay và mới mẻ nữa trong tư tưởng, quan niệm và kinh nghiệm của cụ Hoàng Đạo Thúy nhưng tôi xin kết thúc bài giới thiệu ở đây bằng cách dẫn lại những lời tâm sự nhẹ nhàng mà cháy bỏng của tác giả về nghề thầy. Chúng ta hãy cùng đọc đi đọc lại và suy ngẫm:
“Kể ra thì cái nghề của chúng ta cũng như, hay là hơn các nghề khác, cũng có lắm cái nhục và lắm cái vinh.
Thầy ngồi một nơi mà trẻ xấc láo, cha mẹ học trò lại khinh khỉnh, lườm nguýt, cô ra chợ, người ta bán đắt, hàng xóm chỉ chực chửi đổng, giữ nhau từng miếng, thì cái nghề mình cực thật, thà làm cu ly đập đá còn hơn.
Những thầy đã tận tụy, trong lâu năm, học trò đã khá giả, làng đã sạch sẽ, thịnh vượng, nước đã thảnh thơi, lúc trẻ nhỏ vào học, mặt sáng sủa tỉnh táo; thế thì thầy cũng có thể vui lòng mà bảo rằng: “tiến vi quan, đạt vi sư” người xưa nói vậy mà phải”.
- Nguyễn Quốc Vương
TÁC GIẢ:
Hoàng Đạo Thúy (1900 – 1994), là nhà giáo dục, nhà biên khảo, nhà hoạt động văn hóa xã hội nổi tiếng ở Việt Nam. Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho ở làng Kim Lũ, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông học trường Bưởi, tốt nghiệp Thành chung, sau đó dạy học và tích cực tham gia các phong trào cứu tế xã hội, truyền bá quốc ngữ và là thủ lĩnh của phong trào Hướng đạo sinh Việt Nam. Sau năm 1945, ông gia nhập quân đội và lần lượt đảm đương nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền đương thời cho đến khi về hưu.
Hoàng Đạo Thúy hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau và trong lĩnh vực nào cũng để lại những dấu ấn đặc biệt. Ông đã viết nhiều tác phẩm về giáo dục, xã hội, chính trị, quân sự, lịch sử, văn hóa, đặc biệt là những tác phẩm nghiên cứu lịch sử văn hóa Hà Nội. Ông được mệnh danh là nhà Hà Nội học hàng đầu của Việt Nam.