Combo 3 Quyển: Văn Hóa Người Việt Vùng Tây Nam Bộ + Đô Thị Sài Gòn - Thành Phố Hồ Chí Minh - Khảo Cổ Học Và Bảo Tồn Di Sản + Đình Nam Bộ Xưa Và Nay:
1. Văn Hóa Người Việt Vùng Tây Nam Bộ
2. Đô Thị Sài Gòn - Thành Phố Hồ Chí Minh - Khảo Cổ Học Và Bảo Tồn Di Sản
3. Đình Nam Bộ Xưa Và Nay
-------------------------------------------------------------------
1. Văn Hóa Người Việt Vùng Tây Nam Bộ - Trần Ngọc Thêm
1. Tây Nam Bộ là một vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển đặc biệt, con người đặc biệt, vai trò và sự đóng góp cho sự phát triển của đất nước cũng rất đặc biệt.
Song từ thập niên 1990, Tây Nam Bộ dường như đã chững lại, nếu không muốn nói là đi xuống trong một số mặt. Muốn tiếp tục phát triển, Tây Nam Bộ cần có một cú hích. Từ đầu thập niên 2000, Tây Nam Bộ đi tìm cú hích đó trong kinh tế và khoa học - kỹ thuật. Đương nhiên là kinh tế và khoa học - kỹ thuật là quan trọng. Nhưng hình như chưa đủ. Loay hoay với những biện pháp thuần túy kinh tế và khoa học - kỹ thuật, đồng bằng sông Cửu Long luôn gặp trước mặt mình những khó khăn buộc phải đi tìm những biện pháp kinh tế và khoa học - kỹ thuật mới để rồi lại tiếp tục gặp khó khăn mới rất tốn kém sức lực và tiền bạc. Nó gây cảm giác dường như sự phát triển của Tây Nam Bộ đã đụng trần. Các nhà kinh tế học gọi loại trần này là “trần thủy tinh” (glass ceiling), là “bẫy thu nhập trung bình” (middle-income trap).
Nhưng “bẫy thu nhập trung bình” thì có thể giải quyết bằng “kinh tế tri thức” (tức là khoa học), còn tấm trần này sở dĩ là “thủy tinh” không nhìn thấy được , có lẽ là vì nó chủ yếu được làm bằng một chất liệu tinh thần là văn hóa. Trong khi ta luôn xác định rằng “văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” (Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII, tháng 7-1998), “phát triển văn hóa là mục tiêu và động lực của phát triển kinh tế - xã hội” (Hội nghị lần thứ 10 BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX, tháng 7-2004), thì dường như chính chúng ta lại cũng thường quên văn hóa đầu tiên mỗi khi bàn đến sự phát triển cụ thể của một vùng miền. Đã bao năm nay, những nét tương đồng và khác biệt của Tây Nam Bộ với Đông Nam Bộ về địa lý, lịch sử, kinh tế, v.v., đã hiện lên khá rõ, song về văn hóa thì những đặc điểm văn hóa của Tây Nam Bộ, đặc điểm tính cách con người, tính cách văn hóa Tây Nam Bộ đáng tiếc là vẫn bị hòa lẫn trong trong một bức tranh mờ nhòa có tên chung chung là “Nam Bộ”.
Góp phần khắc phục hạn chế nêu trên chính là LÝ DO thúc đẩy nhóm tác giả thực hiện công trình này.
2. Công trình Văn Hóa Người Việt Vùng Tây Nam Bộ đặt ra bốn MỤC TIÊU:
1) Xây dựng một bức tranh tổng quan về các thành tố của văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ (văn hóa nhận thức, văn hóa tổ chức, văn hóa ứng xử).
2) Tìm hiểu hệ tính cách văn hóa đặc trưng để trên cơ sở đó nhận diện bản sắc văn hóa vùng của khu vực Tây Nam Bộ cùng các hệ quả và hậu quả, các điểm mạnh và điểm yếu của nó trong quá trình đi vào toàn cầu hóa và hội nhập.
3) Giúp hiểu rõ hơn văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ và trên cơ sở đó giúp giải thích các vấn đề khúc mắc nảy sinh trong muôn mặt đời sống văn hóa - xã hội hiện tại (như vấn đề phụ nữ Tây Nam Bộ lấy chồng nước ngoài, vấn đề giáo dục, vấn đề phát triển con người, v.v.).
4) Góp phần thực hiện chương trình “Bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập ở khu vực Nam Bộ” trong đề án nghiên cứu khoa học trọng điểm của Đại Học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh “Những vấn đề xã hội - nhân văn khu vực Nam Bộ giai đoạn 2005-2010” [Trần Ngọc Thêm (chủ nhiệm) 2006].
Hai mục tiêu đầu làm nên nội dung chính của công trình. Mục tiêu (3) và (4) được phái sinh từ hai mục tiêu chính này.
Với mục tiêu như thế, đề tài giới hạn PHẠM VI nghiên cứu trong không gian là vùng Tây Nam Bộ hay còn gọi là “đồng bằng sông Cửu Long”, chủ thể là tộc người Việt (điển hình cho cả vùng như một tộc người đông dân nhất, chiếm 92% dân số), và thời gian là giai đoạn cận hiện đại từ thế kỷ XVII đến nay (giai đoạn hình thành và phát triển văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ).
Các không gian ngoài vùng Tây Nam Bộ (vùng Đông Nam Bộ, miền Trung, miền Bắc, phương Tây); chủ thể ngoài tộc người Việt (người Khmer, Hoa, Chăm, người phương Tây); thời gian ngoài giai đoạn cận hiện đại (các giai đoạn Óc Eo, Phù Nam, Chân Lạp) có thể được nhắc tới để so sánh đối chiếu.
3. Với mục tiêu như đã trình bày, nội dung của công trình được BỐ CỤC thành ba phần: Phần Một (trình bày trong chương I) là cơ sở lý luận và thực tiễn; Phần Hai (trình bày trong ba chương II-III-IV) là các thành tố của văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ; và Phần Ba (trình bày trong chương V) là hệ thống các đặc trưng tính cách văn hóa của người Việt vùng Tây Nam Bộ.
Trong chương I, công trình đã xây dựng một khung lý thuyết, trong đó, lần đầu tiên đã định nghĩa một cách chặt chẽ các khái niệm công cụ như miền văn hóa, vùng văn hóa, văn hóa vùng, phân vùng văn hóa; đã xây dựng một phương pháp phân định ranh giới vùng văn hóa, phương pháp xử lý khu vực giáp ranh với các bước và các thao tác rõ ràng. Trên cơ sở đó, công trình đã xác định ba miền và tám vùng văn hóa Việt Nam, trong đó lần đầu tiên đã xác định một cách khoa học (trên cơ sở định vị K-C-T) rằng Tây Nam Bộ là một vùng văn hóa riêng biệt thuộc miền văn hóa Nam Bộ. Trong vùng văn hóa Tây Nam Bộ, lần đầu tiên đề tài phân hoạch được năm tiểu vùng: Phù sa ngọt, Giồng duyên hải, Ngập kín (Đồng Tháp Mười), Ngập hở (tứ giác Long Xuyên), và Ngập mặn (bán đảo Cà Mau).
Các chương II-III-IV dành cho việc trình bày hệ thống giá trị văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ theo ba thành tố: Chương II trình bày hai thành tố văn hóa nhận thức (nhận thức tổng quát, nhận thức về môi trường tự nhiên, nhận thức về môi trường xã hội) và văn hóa tổ chức (tổ chức đời sống tập thể gồm: gia đình - gia tộc, nông thôn, đô thị; và tổ chức đời sống cá nhân gồm: tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục - tập quán, văn hóa giao tiếp và nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật thanh sắc và hình khối). Chương III và IV trình bày thành tố thứ ba là văn hóa ứng xử với môi trường, trong đó chương III là ứng xử với môi trường tự nhiên (gồm ứng xử với đất và nước, với khí hậu - thời tiết, với động vật, và với thực vật), chương IV là ứng xử với môi trường xã hội (gồm Hòa nhập văn hóa Việt - Khmer - Hoa - Chăm, Giao lưu hội nhập với văn hóa Phật giáo, Giao lưu hội nhập với văn hóa Nho giáo, và Ứng xử với văn hóa phương Tây).
Chương V trình bày các đặc trưng tính cách văn hóa của người Việt vùng Tây Nam Bộ. Trên cơ sở xây dựng một khung lý thuyết riêng về giá trị và hệ giá trị văn hóa, tính cách và hệ tính cách văn hóa, công trình đã xác định và trình bày hệ thống tính cách văn hóa của người Việt vùng Tây Nam Bộ theo sáu đặc trưng: tính sông nước (hiểu là tính hòa hợp với môi trường sông nước), tính trọng nghĩa, tính bộc trực, tính bao dung, tính thiết thực, và tính mở thoáng.
Phần Kết luận điểm lại những kết quả chính trong ba phần của công trình, trong đó bộ khung lý thuyết sẽ giúp cho việc nghiên cứu văn hóa vùng từ nay về sau được thuận lợi hơn; hệ thống các thành tố và tính cách văn hóa Tây Nam Bộ sẽ giúp làm rõ hơn bản sắc một vùng văn hóa quan trọng của đất nước. Trên cơ sở đó, những định kiến lâu nay thường xếp Tây Nam Bộ vào số ba vùng “Tây” đội sổ (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) đã được xem xét đánh giá lại; kết luận rút ra ở đây là Tây Nam Bộ không nghèo, không ít học, và năng lực quản lý không hề kém, mà có việc thậm chí còn có phần ngược lại. Phần kết luận cũng cho thấy một nhận xét khác - dù mang tính tích cực - về Tây Nam Bộ rằng Tây Nam Bộ có khí hậu dễ chịu, đời sống dễ dàng và người thì dễ thương - cũng không còn chính xác. Từ thiên nhiên, khí hậu cho đến con người, không có cái gì là bất biến. Chất văn minh thì tăng lên, đời sống kinh tế thì có đi lên, nhưng thiên nhiên, khí hậu và một số mặt của con người thì đang có dấu hiệu đi xuống. Bởi vậy mà Tây Nam Bộ cần biết không chỉ khai thác mà còn phải lo nuôi dưỡng và phát triển cả tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên khí hậu và tài nguyên con người.
-------------------------------------------------------------------
2. Đô Thị Sài Gòn - Thành Phố Hồ Chí Minh - Khảo Cổ Học Và Bảo Tồn Di Sản - Hội khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Hậu
"Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh có quỹ di sản cảnh quan và kiến trúc đô thị đặc sắc, đã dạng và phong phú. Lịch sử của mỗi đô thị cũng như chuỗi vòng xoắn ADN kéo dài vô tận mà trong đó sự "phát triển" kinh tế là sức sống mới từ những tế bào nhân đôi, nhưng "bảo tồn" di sản văn hóa lại giữ vai trò cấu trúc ổn định của chuỗi vòng xoắn.
Khi cấu trúc này bị phá vỡ, đô thị không còn bản sắc riêng. Một đô thị không có bản sắc riêng thì nó sẽ biến mất trong nhận thức và ký ức cộng đồng, sớm hay muộn mà thôi"
Làm thế nào để phát triển đô thị nhưng không làm phá hủy di sản văn hóa, xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại nhưng không mâu thuẫn với việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa của đô thị? Đây vừa là suy nghĩ, trăn trở của tác giả, một người vừa làm công tác khảo cổ học và bảo tồn, vừa làm công tác nghiên cứu phát triển của TPHCM. Lần tái bản này, tác giả đã chỉnh sửa một số sai sót, bổ sung thêm những hoạt động về bảo tồn di sản đô thị ở trong và ngoài nước qua khảo sát của tác giả năm 2017 – 2018, nhằm tăng cường tính thực tiễn của công trình. Tuy vậy chắc chắn công trình cũng chưa thật sự hoàn thiện. Tác giả chân thành cám ơn ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu và quý độc giả.
-------------------------------------------------------------------
3. Đình Nam Bộ Xưa Và Nay - Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường
Đình làng là một cơ sở tín ngưỡng quan trọng và chính thức của làng xã xứ ta. Đình không chỉ là nơi thờ tự Thành Hoàng, thần bảo hộ của cộng đồng mà còn là trung tâm văn - xã và thậm chí là trụ sở hành chính của làng. Chính vì vậy, từ lâu đình trở thành biểu tượng phong hóa của cộng đồng.
Lời tục rằng “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt” là cách nói văn vẻ, còn thực tế thiết chế văn hóa - tín ngưỡng của làng gồm: “đình - chùa - miễu -võ”; trong đó, đình là trú sở của vị thần được thiên tử cắt đặt nhiệm vụ “bảo ngã lê dân”, tức bảo hộ cộng đồng dân cư sống trong khoảng “đất vua” được xác định là đơn vị hành chính cơ sở - gọi chung là làng, gọi chính thức là thôn/xã. Ở cấp hành chính cao hơn, cấp tỉnh thành, kinh đô, thiết chế văn hóa - tín ngưỡng mang tính chính thống gồm “đàn-miếu-đền-từ”. Như vậy, xét về đại thể, đình là cơ sở tín ngưỡng trung gian nối thiết chế chính thống và thiết chế dân gian. Ở đây, đình thuộc thể chế thờ tự chính thống, từ tín niệm, đối tượng thờ tự đến lễ thức đều tuân theo điển lệ - xét về cơ bản, trừ trường hợp đình làng có hèm; và mặt khác, tùy theo từng tọa độ địa lý - lịch sử cụ thể, đình dung nạp các đối tượng phối tự, tòng tự vào khuôn viên đình hay vào các vị trí phụ thuộc trong đình…
Tính chất phồn tạp của đình bắt nguồn từ lịch sử hình thành và quá trình điển lệ hóa của các triều đại trong lịch sử. Khởi đi từ đình trạm, đình trú - một cơ sở công ích thế tục, đến thế kỷ XIII được lệnh chính thức “dựng tượng Phật để thờ” trong đình và đến cuối thế kỷ XV mới bắt đầu trở thành đình làng và vị thần Thành Hoàng, một cách chính thống là thần bảo hộ các địa điểm quan yếu có thành có hào bao bọc (như kinh đô, tỉnh thành…) giờ đã trở thành thần Bản cảnh / Đương cảnh bảo hộ cho làng mạc, thôn - xã, nơi chẳng có thành cao, hào sâu. Do đó, tập hợp thần Thành Hoàng làng đã kế thừa truyền thống địa phương, theo đó, bao gồm cả nhiên thần, thiên thần và nhân thần, tức các thần linh có nguồn gốc từ tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, động vật, thực vật, linh vật, vật tổ, tổ tiên, anh hùng, danh nhân lịch sử - văn hóa…
Nói chung, việc phong cấp sắc thần Thành Hoàng, một mặt là điển lệ hóa một trong các thần linh vốn được làng xã tôn thờ lên địa vị chính thức là thần bảo hộ cộng đồng hoặc ban bố cho các làng xã không có sẵn thần linh bằng cách phong tặng một vị thần Thành Hoàng để bảo hộ dân làng của vua. Như đã nói trên, thần Thành Hoàng có nguồn gốc đa tạp, bao gồm cả nhiên thần, thiên thần lẫn nhân thần, song về mặt công năng thì đây là vị thần bảo hộ cộng đồng dân cư của đơn vị hành chính cơ sở là thôn xã. Bởi như chúng ta biết, trong nhiều ngôn ngữ thường có hai từ song tồn để chỉ đất. Trong ngữ cảnh văn hóa Hán - Việt, để chỉ đất có hai từ: Thổ và Địa. Với tư cách là vị thần đã từng “Hộ quốc tí dân” và nay được cắt cử “bảo ngã lê dân”, tức bảo hộ cho cộng đồng dân đen của vua, thần Thành Hoàng làng có trú sở chính thức là đình nên tính chất thiêng quy tụ về đây. Có thể đẳng trật của thần Thành Hoàng là “hạ đẳng thần” không lớn hơn các phúc thần khác được sắc phong là trung / thượng đẳng thần, nhưng thần là chủ thể của bản cảnh nên trong lễ Kỳ yên ở đình, các thần linh trong vùng đều được thỉnh về đình để dự hưởng - gọi là lễ nghinh thần. Cũng có trường hợp đình làng thờ thần Thành Hoàng và đồng thời thờ các thần linh có sắc phong của vua ban cho làng phụng tự. Trong trường hợp này, thần Thành Hoàng dù đẳng trật như thế nào thì vẫn là vị chủ thể của đình và các thần kia có thể đẳng trật được phong cao hơn vẫn được coi là đối tượng phối tự/ tòng tự. Điều này chỉ ra vị trí chính yếu của Bổn cảnh / Đương cảnh thành hoàng đối với tập hợp thần linh của từng làng xã.
Làng xã như vậy có một thần Thành Hoàng bảo hộ, có đình thờ tự và lấy đó làm nơi tổ chức lễ hội và làm nơi hội họp việc làng, có tự điền lấy hoa lợi chi dùng cho việc cúng tế, có bộ máy quan viên/ hương chức quản lý cộng đồng cả về hành chính lẫn phong hóa, rồi thêm vào đó là hương ước xác lập nên lệ làng, một tập hợp lệ luật được lịch sử xác nhận là có hiệu lực lớn hơn phép nước: phép vua thua lệ làng. Thành Hoàng được tiếp tục duy trì như tục lệ của cộng đồng. Một số vùng thành thị, sự xáo trộn dân cư đã khiến một số đình làng biến thành đình hội theo nghĩa đình và việc tế lễ ở đình được duy trì bởi những thành viên có tinh thần bảo thủ truyền thống hơn là của toàn bộ cư dân của làng xã. Các “Hội quý tế”, “Hội linh tế”… ra đời trong thời kỳ này và duy trì mãi về sau này.
Đình làng được bảo tồn đến nay là vậy, nhưng điều đó, không có nghĩa là không trải qua những thử thách. Trước hết, trong chín năm kháng chiến(1945 - 1954) một số đình làng bị dỡ bỏ theo chủ trương toàn dân kháng chiến toàn diện kháng chiến. Rõ ràng, trong đợt này, đình và các công trình kiến trúc khác phải dỡ bỏ vì mục đích ngăn chặn giặc Pháp chiếm làm công sự chống lại lực lượng kháng chiến của ta; song đợt tiêu thổ này, một cách nào đó đã khởi đầu cho công cuộc “đả thực bài phong”, tức ngoài mục đích quân sự - quốc phòng việc làm này còn hàm chứa mục đích xóa bỏ tàn tích phong kiến còn bảo lưu trong xã hội thực dân nửa phong kiến trước thời điểm 1945 mà các tư trào cải lương phong hóa theo “chủ nghĩa tiến bộ” trước đó đã lên án và coi đó là lực cản của đà tiến bộ. Nói cách khác, một cơ cấu tín ngưỡng - lễ hội chính thức đáp ứng nhu cầu chính đáng như một nền tảng phong hóa, định hướng cho sự đồng nhất cộng đồng và biểu hiện bản sắc văn hóa đa dạng ở từng tọa độ địa lý là chưa định hình và còn đang “diễn biến phức tạp”, chưa có hồi kết. Hiển nhiên tín ngưỡng - lễ hội là nhu cầu của cộng đồng và cũng như các dạng thức văn hóa khác, chúng cũng luôn biến đổi theo sự biến chuyển của lịch sử một cách tự phát lẫn tự giác.
Lễ hội truyền thống ở xứ ta, đa phần là lễ hội nghi lễ, là những biểu hiện cụ thể của một tín ngưỡng bằng một hệ thống nghi lễ và các hình thức diễn xướng cùng các thứ vật chất tương ứng như lễ vật, cờ phướn, tàn lọng, đồ tự khí và những vật phẩm trang nghiêm cho cuộc lễ… Nói cách khác, lễ hội là một chỉnh thể nhằm biểu đạt lòng sùng tín theo một tín lý nhất quán chứ không phải là tổng số của phép cộng hai đại lượng tách biệt lễ và hội như cách hiểu thời thượng trong vài thập kỷ gần đây. Trong xã hội hiện đại, lễ hội cùng lúc có thể giảm bớt / mất tính thiêng, nhưng do yêu cầu cố kết cộng đồng nên lễ hội được duy trì một cách tự giác với những biến thái mới mẻ. Lễ hội giờ đây là một thiết chế bảo vệ sự tái sinh nhằm tái tạo sợi dây liên kết các thành viên của một xã hội – ở đó, điều cốt yếu không phải sự thiêng liêng huyền bí mà là biểu tượng của tinh thần cộng đồng hàm chứa sự thiêng liêng của lịch sử - văn hóa - chính trị.
Trong viễn tượng phát triển của xã hội hiện đại, việc giải phóng con người ra khỏi sự thần bí mê tín hướng đến việc xác lập cơ sở cho sự chánh tín hẳn chúng ta phải lưu tâm đến việc xây dựng một nội dung thờ tự cũng như một kịch bản lễ hội tương ứng cho đình làng; thậm chí nghi thức tế tự, văn tế truyền thống được xướng đọc theo âm Hán tự cũng cần được Việt hóa bằng chữ quốc ngữ thì may ra mới được thế hệ dân cư đương đại, đặc biệt là giới trẻ hiểu được. Phàm hữu tri mới khả mộ là vậy.