Combo 3 Quyển: Về Chủ Tịch HCM (Nhật Ký Trong Tù + Bông Sen Vàng + Búp Sen Xanh):
1. Nhật Ký Trong Tù
2. Bông Sen Vàng
3. Búp Sen Xanh
-------------------------------------------------------------------
1. Nhật Ký Trong Tù - Hồ Chí Minh
Tác phẩm “Nhật ký trong tù” là tập thơ gồm 133 bài, viết bằng chữ Hán, ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt. Tháng 8/1942, Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ tại Túc Vinh, Quảng Tây, khi Người sang Trung Quốc công tác với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh và Phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam. Và từ đây bắt đầu hành trình 13 tháng đầy gian nan, cực khổ trải qua 18 nhà lao của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây. Trong những tháng ngày đó (tháng 8/1942 – tháng 9/1943), Người đã sáng tác tập thơ “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù).
Tập thơ phản ánh một cách chân thực về chế độ nhà tù và một phần xã hội Trung Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch. Nhà tù là nơi diễn ra nhiều tệ nạn (đánh bạc, buôn bán, hối lộ…), với bao bất công, ngang trái, đày ải, áp bức người dân trong cảnh khốn cùng. Mỗi bài thơ trong tập nhật ký là tiếng lòng của tác giả, khắc họa sâu sắc tâm hồn, những suy nghĩ, tình cảm của Bác trong thời gian bị giam cầm nơi đất khách. Đó là lòng yêu nước thiết tha, luôn đau đáu hướng về Tổ quốc, mong được trở về hòa mình vào cuộc chiến đấu của đồng chí, đồng bào. Tình yêu thương bao la, vô bờ bến của Người không chỉ dành cho mọi kiếp người, không phân biệt giai cấp, dân tộc mà còn là tình yêu thiên nhiên, hòa mình vào muôn cảnh vật. Toát lên từ toàn bộ tập nhật ký là một tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin vào ngày mai tươi sáng, ý chí kiên cường, bền bỉ, lòng quyết tâm sắt đá của Người. Bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản, sức mạnh tinh thần lớn lao đã đưa Người vượt qua đày ải, ngục tù, đến với ngày tự do, trở về Tổ quốc thân yêu, lãnh đạo toàn dân giành độc lập, tự do cho dân tộc. Tác phẩm đã trở thành bảo vật quốc gia của Việt Nam, được bạn bè quốc tế ngợi ca và được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới.
-------------------------------------------------------------------
2. Bông Sen Vàng - Sơn Tùng
Bông sen vàng ra đời tiếp theo Búp sen xanh càng khiến ta tự hỏi: Trong cả cuộc đời Người trải khắp năm châu bốn biển qua ngót một thế kỷ còn bao điều ẩn khuất, phải chăng thời niên thiếu của Người cũng là một giai đoạn quan trọng mà văn học đang cần sớm phát hiện? Sơn Tùng là nhà văn dùng cả cuộc đời để viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt, ông là nhà văn hiếm hoi viết về thời thơ ấu của Người với đầy đủ những chi tiết thực tế, đồng thời xen lẫn lời văn của tác giả để tác phẩm vừa mang tính lịch sử, vừa mang chất liệu văn học. Cùng viết về thời thơ ấu của Bác, tuy nhiên Bông sen vàng có cách khai thác khác với tác phẩm Búp sen xanh.
Như đã nhận xét, Bông sen vàng có cách khai thác khác với tác phẩm rất thành công trước đó là Búp sen xanh. Nếu Búp sen xanh tập trung vào cuộc đời đầy sóng gió của gia đình Bác, với những tính cách hồn nhiên thời còn trẻ, đồng thời, lựa chọn những sự việc có ảnh hưởng đến quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ, vì vậy, cảnh đất nước lầm than được miêu tả rõ rệt và chân thực vì đây là động lực chính thôi thúc Bác ra đi; thì Bông sen vàng lại lựa chọn điểm nhìn từ lý tưởng yêu nước của các nhà nho. Tác phẩm tập trung vào những buổi đàm đạo giữa cụ Nguyễn Sinh Sắc và những nhà nho yêu nước, như cụ Đào Tấn, cụ Phan Bội Châu..., những câu chuyện về những vị kì tài của dân tộc để thể hiện sự tác động của lý tưởng yêu nước đến cậu bé Nguyễn Sinh Côn ngay từ khi còn rất nhỏ.
-------------------------------------------------------------------
3. Búp Sen Xanh - Sơn Tùng
Có thể xếp “Búp Sen Xanh” vào nhóm tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi và là tác phẩm nổi tiếng nhất viết về chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt thời thơ ấu cho đến khi rời Việt Nam sang Pháp.
“Búp Sen Xanh” là nơi tiểu thuyết và lịch sử đã gặp nhau và hoạ nên một giai đoạn trong cuộc đời người Cha già của dân tộc Việt Nam. Nơi ấy, có quê nhà xứ Nghệ, có làng Sen, có khung dệt của mẹ, có lời dạy của cha, có những người bạn và những kỷ niệm ấu thơ. Nơi ấy có xứ Huế mà trong cuộc sống nghèo khổ có trăn trở tuổi trẻ, về con người, về vận mệnh dân tộc, có mất mát và đau thương...
“Búp Sen Xanh” vượt ra ngoài những giới hạn của một tác phẩm thiếu nhi, có thể làm bất kỳ ai rung động đến rơi nước mắt trong đêm chia ly, khi người con từ biệt cha ra đi để tìm một con đường cho chính mình và cho dân tộc. Một phần cuộc đời, trọn vẹn lý tưởng và dấn thân... Búp Sen Xanh không chỉ là câu chuyện về lãnh tụ mà còn là câu chuyện để làm người.