Combo 5 Quyển (Cuộc Tình Trong Ngục Thất + Tuần Trăng Mật Màu Xanh + Tiếng Chuông Gọi Người Tình Trở Về + Một Ngày Rồi Thôi + Vòng Tay Học Trò):
1. Cuộc Tình Trong Ngục Thất
2. Tuần Trăng Mật Màu Xanh
3. Tiếng Chuông Gọi Người Tình Trở Về
4. Một Ngày Rồi Thôi
5. Vòng Tay Học Trò
-----------------//-----------------
TÁC GIẢ:
Nguyễn Thị Hoàng (sinh 1939) là một nhà văn, nhà thơ nữ Việt Nam.
Bà sinh ngày 11 tháng 12 năm 1939 tại Huế thuộc Liên bang Đông Dương. Năm 1957, bà chuyển vào sinh sống ở Nha Trang rồi đến năm 1960 bà vào Sài Gòn học Đại học Văn khoa và Luật nhưng bà bỏ ngang, không học hết mà lên Đà Lạt dạy học. Đến năm 1966, bà chuyển sang chuyên tâm viết tiểu thuyết.
-------------------------------------------------------------------
1. Cuộc Tình Trong Ngục Thất - Nguyễn Thị Hoàng
“Không, có lẽ nào như thế được, có lẽ nào lại như thế được anh. Từ đầu chuyến đi, mình đã bị đày vào cái thế giới của những kẻ cùng đường phải đánh cướp để nuôi sống, để tháo thân. Chúng nó đánh cướp bạc tiền, của cải, ta chỉ đánh cướp lại đời ta. Đánh cướp đời mình từ tù ngục và trở về với một ngục tù mới chung thân, nhưng đồng lõa, cùng nhau, có nhau, suốt đời, nếu chỉ còn da thì vẫn còn da với da, nếu còn xương thì vẫn còn xương với xương.”
Cuộc tình trong ngục thất là câu chuyện về một người vợ ra Huế tìm chồng, người chồng, vừa trải qua những ngày tháng chiến trận khốc liệt, được gặp lại vợ, và cả hai quyết định trốn về Sài Gòn, mà ngôi nhà thân yêu của họ ở đó.
Không sự kiện, không cốt truyện, chỉ những dòng tâm tư miên man trên trang giấy mang lại không khí bức bối, ngột ngạt. Cuộc trốn chạy của đôi vợ chồng trẻ đầy âu lo, khắc khoải, liệu ta có thoát được không, liệu có chạy ra khỏi bóng tối rình rập của chiến tranh đang chực nghiền nát ta không? Cho dù cuối cùng đã về được mái nhà, hạnh phúc trong chốc lát, nhưng họ biết rằng. ngục tù vẫn bốn phía bủa vây.
-------------------------------------------------------------------
2. Tuần Trăng Mật Màu Xanh - Nguyễn Thị Hoàng
“Em đi với anh một vòng ra phố không, ta ăn sáng,
hưởng một cuộc liều với anh.”
Các nhân vật của Nguyễn Thị Hoàng, nếu có chút nào gần gũi nhất, và cũng kỳ lạ nhất, dễ nhìn ngắm nhất và cũng khó lý giải nhất, thì họ đều là những kẻ liều thân để tìm kiếm “một chút đời” như ý muốn.
Một chút đời ấy, đối với Nhung, Đông và Ý Lan, là tìm lấy một khoảng xanh êm dịu giữa miền hỏa ngục của chiến tranh, tìm lấy chút ý nghĩa giữa những cùn mòn trơn tuột của đời sống. Họ vô tình gặp nhau, vồ vập yêu và vồ vập ân ái, vồ vập từng khoảnh khắc hạnh phúc mà cái hố đen chiến tranh chưa kịp nuốt chửng lấy.
Không có đám cưới, không có áo hoa, cũng chưa kịp trao một đính ước, nhưng đối với họ, tình yêu và những phút thăng hoa của tình yêu đã cứu rỗi, nâng đỡ tâm hồn họ, kịp cho họ hưởng một tuần trăng mật màu xanh, cho họ được một lần chạm vào sự sống giữa cuộc chiến đầy chết chóc và tối tăm.
-------------------------------------------------------------------
3. Tiếng Chuông Gọi Người Tình Trở Về - Nguyễn Thị Hoàng
Tiếng chuông gọi người tình trở về là câu chuyện về những niềm khao khát được yêu và được hiểu nhưng mơ hồ. Những hờn ghen vẩn vơ lẫn trộn trong mơ mộng viển vông của Bằng và Huyền khiến đời sống vợ chồng bỗng lạc mất hướng đi. Thay vì vun đắp, nuôi dưỡng tương lai và săn sóc, nuông chiều tình yêu đang sẵn có trong tình chồng vợ, họ mê mải trên hành trình tìm mình, kiếm nhau trong ngày tháng cũ. Tiếng chuông réo gọi tình về vì thế mà liên tục được ngân lên trong vô vọng…
“Và cứ thế, cho đến bao giờ tiếng chuông gọi tình về đã lịm tắt đi. Tình yêu vốn không tai nghe, nên cũng chẳng cần tiếng gọi. Khi còn gọi tên, khi chuông còn gióng giả, là lòng còn nông nổi tình còn u mê.”
-------------------------------------------------------------------
4. Một Ngày Rồi Thôi - Nguyễn Thị Hoàng
Kể từ ngày người vợ bỏ đi, ông Vĩnh Hoài đã phải chịu đựng khoảng thời gian cô đơn cùng cực, thế nhưng đây không phải chỉ là sự biến mất của một người vợ mà còn là của một người mẹ.
Hai chị em Diễm và Nguyện một mặt phải chứng kiến nỗi đau của cha, một mặt phải tự lớn lên giữa những cảm xúc xáo trộn của chính mình. Diễm đi qua một cuộc tình bấp bênh còn Nguyện tha thiết muốn biết tình yêu là gì. Diễm nhẹ nhàng đi tìm sự hàn gắn còn Nguyện vô tư lao vào đời như muốn phá mọi thứ tan ra.
Một Ngày Rồi Thôi là câu chuyện về những trái tim khao khát yêu và khao khát được yêu. Câu chuyện về những người trẻ với tâm hồn thanh tao, mơ mộng, và phảng phất buồn tựa như những cơn mưa xứ Huế.
-------------------------------------------------------------------
5. Vòng Tay Học Trò - Nguyễn Thị Hoàng
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng nguyên quán ở Quảng Trị, sinh năm 1939 tại Huế, nơi thân sinh bà làm Tổng Giám thị trường Quốc Học Huế từ năm 1930. Bà theo học tại trường tiểu học Đoàn Thị Điểm và trung học Đồng Khánh Huế đến 1956 thì vào Nha Trang. Năm 1960, bà vào Sài Gòn theo học đại học Văn Khoa, đại học Luật khoa rồi dạy học ở Đà Lạt. Năm 1964 bà bắt đầu viết tác phẩm đầu tiên Vòng tay học trò dưới bút danh Hoàng Đông Phương. Tác phẩm được đăng dưới hình thức nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa, vừa được công chúng đón nhận nồng nhiệt vừa gây ra những tranh cãi không ngớt. Năm 1966, Vòng tay học trò được xuất bản thành sách, in lần thứ nhất đã 5.000 cuốn và chỉ trong vòng mấy tháng đã tái bản bốn lần.
Trước Nhã Nam, một số đơn vị xuất bản khác cũng đã in lại một số tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng, nhưng với Vòng tay học trò, bestseller nổi tiếng nhất của bà, thì đây là lần đầu tiên được tái xuất, sau rất nhiều cân nhắc từ các bên. Ở lần xuất bản này, phía Nhã Nam đã cùng với tác giả chuẩn bị bản thảo cẩn thận, chỉn chu. Mọi chỉnh sửa dù là nhỏ nhất đều được bàn bạc kỹ lưỡng trước khi đi đến bản in cuối cùng. Một số cuốn, ngay cả bản thảo gốc mà tác giả đang giữ, cũng bị thiếu trang, Nhã Nam đã phải kỳ công truy tìm nhiều bản in cũ từ những nhà sưu tầm sách hiếm, để có được bản thảo đầy đủ nhất. Có thể nói sau nhiều thập kỷ, năm tác phẩm này của Nguyễn Thị Hoàng không chỉ được xuất bản phục hồi nguyên trạng mà còn kèm theo một số điều chỉnh, bổ sung; tất cả được gói lại trong một diện mạo mới, với bìa cứng sang trọng, hiện đại nhưng vẫn phảng phất nét cổ điển gợi nhớ một thời.
VÒNG TAY HỌC TRÒ: Giữa độ đôi mươi xuân sắc, cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Trâm quyết định bỏ Sài Gòn hoa lệ lại phía sau để lên Đà Lạt tìm kiếm sự yên bình. Nhưng ở đó, số phận lại run rủi để Trâm gặp Minh. Sự đồng điệu trong tâm hồn cô giáo trẻ và cậu trò lớn đã khiến cuộc đời họ không bao giờ còn như cũ nữa.
Vòng tay học trò nhận được sự ủng hộ của hàng nghìn độc giả ngay từ khi mới xuất hiện dưới dạng nhiều kỳ đăng trên tạp chí đến khi được in thành sách rồi tái bản liên tục nhiều năm ở miền Nam. Sự hưởng ứng sôi nổi ấy hẳn không phải chỉ bởi nó đã kể câu chuyện tình đau đớn của tuổi trẻ “yêu người không nên yêu” một cách du dương thành thật, mà còn vì bằng câu chuyện ấy nó đặt ra những vấn đề khác, về lẽ sống, về những vật lộn tinh thần cá nhân giữa đời sống xã hội bình thường. Sau hết thảy, nó là câu chuyện của thanh xuân, phù hợp hơn cả với những buổi chiều lặng lẽ riêng tư, như một người bạn không nhất thiết ủng hộ nhưng hoàn toàn thông cảm với những tâm tình có thật của con người.