THẢM HỌA KHÍ HẬU- BILL GATES
Thảm họa khí hậu: Chúng ta đã có gì và chúng ta phải làm gì để ứng phó? đề cập đến một vấn đề luôn nhức nhối, đó là biến đổi khí hậu.
Cuốn sách này chỉ ra rằng phát thải khí nhà kính chính là nguyên nhân gây ra sự nóng lên toàn cầu, và nếu chúng ta không làm gì, một thảm họa khí hậu sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Nội dung thứ hai của cuốn sách là nêu ra phương hướng làm giảm khí thải nhà kính. Cụ thể là áp dụng các biện pháp kỹ thuật để làm giảm lượng phát thải, và thúc đẩy việc đưa các biện pháp này vào thực tiễn bằng cách làm giảm Chi phí Xanh – một thuật ngữ mà tác giả nhắc đến rất nhiều lần trong cuốn sách, nghĩa là chi phí chênh lệch giữa việc sử dụng phương thức cũ (ví dụ như sử dụng ô tô chạy xăng) với phương thức mới (ô tô chạy điện).
Bên cạnh đó tác giả cũng nhắc đến việc thích nghi với biến đổi khi hậu, tuy nhiên ông không đi quá sâu vì cho rằng biện pháp chính vẫn là giảm lượng phát thải khí nhà kính.
Nội dung cuối cùng của cuốn sách là về kế hoạch cụ thể để làm được những điều trên. Trong đó Bill Gates đề cập cụ thể đến vai trò của chính sách, tổ chức và cá nhân trong việc giảm phát thải.
Cuốn sách này hướng đến những người quan tâm đến biến đổi khí hậu, những nhà hoạt động trẻ và những người muốn chung tay vào giải quyết vấn đề này.
Với cuốn sách này, không những họ được truyền nhiệt huyết để giải quyết vấn đề, mà còn có cái nhìn rộng hơn, hiểu được rằng để giải quyết vấn đề khi hậu, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở thay đổi nhận thức và hành vi ở mức độ cá nhân, mà còn phải tác động lớn đến khía cạnh kĩ thuật và chính sách.
Đa phần các cuốn sách khác trên thị trường đều tập trung vào thay đổi ý thức và hành vi của cá nhân. Cuốn sách này không phủ nhận điều ấy, nhưng tập trung vào quy mô rộng lớn hơn. Nó nhấn mạnh đến vai trò của chính phủ, các tổ chức tư nhân trong việc tìm kiếm và thúc đẩy các phương pháp về vả kĩ thuật lẫn chính sách.
Đánh giá của chuyên gia, tổ chức uy tín về cuốn sách cùng các giải thưởng
“Cuốn sách này là lời giải thích toàn diện nhất về những động lục đang thúc đẩy chúng ta, những con người đang sống trên một hành tinh đang ấm dần; cách đo lường tác động của vô số nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh hoàng và khôn lường này; và cuối cùng là cách tìm kiếm những phương thức tiếp cận hiệu quả hơn để giải quyết từng nguyên nhân. Cuốn sách này chính là thứ gần nhất với cái có thể được gọi là một bản hướng dẫn cách xử trí với cuộc khủng hoảng về khí hậu.”
– Clinton Leaf, Fortune
“Khía cạnh mới mẻ nhất của cuốn sách này nằm ở sự kết hợp giữa cái nhìn thực tế đến lạnh lùng và sự lạc quan có cơ sở từ số liệu…
Xét cho cùng, cuốn sách này có tác dụng như một phần dẫn nhập về cách tái tổ chức nền kinh tế toàn cầu, nhằm tập trung sự đổi mới vào các vấn đề nguy cấp nhất của thế giới. Nó là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng nếu loài người muốn thực sự nghiêm túc với việc giải quyết vấn đề, chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để vận dụng một nguồn lực vô tận – đó chính là trí tuệ của chúng ta.”
– The Economist
“Bill Gates có kế hoạch để cứu lấy thế giới… Dù nhận thức được rằng thử thách này khó khăn, và rằng tất cả các mà cách chúng ta sản xuất, nuôi trồng, di chuyển, làm mát và giữ ấm đều cần phải thay đổi từ tận gốc rễ, Bill Gates vẫn lập luận rằng sự biến chuyển toàn diện này là khả thi, trong khi chúng ta vẫn có thể giữ lối sống ở các nước có thu nhập cao và tiếp tục đưa hàng tỉ người thoát khỏi nghèo đói.”
– Greg Williams, Wired
Trích đoạn hay:
“Có hai con số bạn cần biết về biến đổi khí hậu. Con số đầu tiên là 51.000.000.000. Con số còn lại là 0.
51.000.000.000 là số tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà thế giới trút vào bầu khí quyển mỗi năm. Mặc dù con số này có thể tăng hoặc giảm một chút qua các năm, nhưng nhìn chung, nó đang tăng lên. Đây là thực trạng hiện nay.
Còn 0 chính là mục tiêu chúng ta cần hướng tới. Để ngăn chặn tình trạng gia tăng nhiệt độ và tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu (những tác động này sẽ thực sự tồi tệ), con người cần ngừng trút thêm khí nhà kính vào bầu khí quyển.”
“Chúng ta cần thúc đẩy thay đổi trên quy mô lớn bằng cách sử dụng tất cả các công cụ trong tầm tay, bao gồm các chính sách của chính phủ, công nghệ hiện tại, phát minh mới và khả năng của thị trường tư nhân để tăng khả năng tiếp cận [của giải pháp] đến một số lượng lớn người.”