Trọn Bộ 11 Quyển Tiếng Việt Giàu Đẹp - NXB Trẻ:
1. Đi Tìm Bản Sắc Tiếng Việt - Tiếng Việt Giàu Đẹp
2. Từ Câu Sai Đến Câu Hay - Tiếng Việt Giàu Đẹp
3. Triết Lý Tiếng Việt - Tiếng Việt Giàu Đẹp
4. Cuộc Sống Ở Trong Ngôn Ngữ - Tiếng Việt Giàu Đẹp
5. Tiếng Việt Phương Nam - Tiếng Việt Giàu Đẹp
6. Vẻ Đẹp Ngôn Ngữ Vẻ Đẹp Văn Chương - Tiếng Việt Giàu Đẹp
7. Nỗi Oan Thì, Là, Mà - Tiếng Việt Giàu Đẹp
8. Tình Ca Tiếng Nước Ta - Tiếng Việt Giàu Đẹp
9. Ăn, Uống, Nói, Cười Và Khóc - Tiếng Việt Giàu Đẹp
10. Muôn Màu Lập Luận - Tiếng Việt Giàu Đẹp
11. Tiếng Việt - Lắt Léo Và Lịch Lãm - Tiếng Việt Giàu Đẹp
-------------------------------------------------------------------------------------------
1. Đi Tìm Bản Sắc Tiếng Việt - Trịnh Sâm
Gồm các bài viết của tác giả đã đăng trên các báo. Đúng như tên gọi, nội dung cuốn sách là những nghiên cứu đặc trưng ngôn ngữ báo chí và khảo sát một số bình diện thuộc phong cách ngôn ngữ cá nhân, cũng như miêu tả, giải thích một số vấn đề thực tiễn của tiếng Việt nói chung và tiếng Việt ở một số địa phương miền Nam nói riêng, nhất là ở Nam Bộ. Hi vọng bạn đọc sẽ tìm thấy nhiều điều lý thú và bổ ích về ngôn ngữ tiếng Việt qua quyển sách này.
-------------------------------------------------------------------------------------------
2. Từ Câu Sai Đến Câu Hay - Nguyễn Đức Dân
Sách bàn về việc sử dụng tiếng Việt. Những lỗi cơ bản và mức độ sai khi viết câu: sai kiến thức, sai ngữ pháp, sai chính tả… Từ những ví dụ cụ thể trên báo, đài, các tác phẩm văn học, kho tàng ca dao tục ngữ, thành ngữ Việt Nam, tác giả hướng bạn đọc đến cách tiếp cận vấn đề, nhận ra những lỗi câu, đánh giá mức độ sai và tìm cách chỉnh sửa cho phù hợp. Bước đầu chính là sửa câu sai thành câu đúng. Cao hơn nữa là từ câu đúng chỉnh làm sao để được một câu hay. Những cái sai và cái hay được bàn đến rất phổ biến trong báo chí và đời sống, nhưng ít ai nhận ra vì đôi khi có những có những lỗi cố hữu trong cách sử dụng từ ngữ mà hiện nay hầu như không ai nhận ra nữa, đó là do hiện tượng “để lâu câu sai hóa… đúng”. “Người khôn ăn nói nửa chừng/ Để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo”, dạng câu nửa chừng được nhắc đến trong câu trên gọi là câu mơ hồ, câu mơ hồ cũng được xem là một vũ khí lợi hại trong ngoại giao… Cùng rất nhiều vấn đề thú vị và bổ ích khác nữa.
-------------------------------------------------------------------------------------------
3. Triết Lý Tiếng Việt - Nguyễn Đức Dân
Đây là tựa sách mới nhất của tiến sĩ Nguyễn Đúc Dân viết cho bộ Tiếng Việt Giàu Đẹp. Sách phân tích điểm nhìn, tầm quan trọng của tư duy trong đọc hiểu và ứng dụng ngôn ngữ vào đời sống, đồng thời giải thích những điều tưởng như là "nghịch lý" trong ca dao, tục ngữ một cách thuyết phục và hợp lý. Càng hiểu về tiếng Việt, chúng ta càng yêu quý và ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ của mình hơn. Vận dụng tốt tiếng Việt sẽ dễ dàng đạt hiệu quả cao trong giao tiếp và công việc viết lách. Cũng như các tựa khác trong bộ Tiếng Việt Giàu Đẹp, sách sẽ giúp ích rất nhiều cho học sinh - sinh viên, nhà báo, người làm việc trong những ngành nghề cần vận dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt, ứng biến.
-------------------------------------------------------------------------------------------
4. Cuộc Sống Ở Trong Ngôn Ngữ - Tiếng Việt Giàu Đẹp - Hoàng Tuệ
Sách tập hợp những bài viết bàn về tiếng Việt của cố giáo sư Hoàng Tuệ. Tác giả đã nêu lên những cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng. Ngoài ra, sách còn có một loạt bài viết nêu lên những đóng góp của các nhà văn, nhà thơ lớn như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu… đối với nền ngôn ngữ học nước nhà. Gần hơn, có phong cách ngôn ngữ Hồ Chủ tịch, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng những quan tâm trăn trở, làm sao để giữ gìn, phát triển tiếng nói dân tộc… Với ngòi bút tài hoa, kiến thức uyên thâm, tác giả diễn giải những vấn đề phức tạp một cách đơn giản, đễ đọc, dễ hiểu, khiến cho những kiến thức đó không hề khô khan như bản chất của Ngôn ngữ học. Những bài viết trong sách vô cùng thú vị và bổ ích cho những ai đang tìm hiểu, học tập và nghiên cứu tiếng Việt.
-------------------------------------------------------------------------------------------
5. Tiếng Việt Phương Nam - Trần Thị Ngọc Lang
Bản thảo TIẾNG VIỆT PHƯƠNG NAM là tập hợp các công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Lang về phương ngữ Nam Bộ trong sự so sánh với các từ ngữ Bắc Bộ, Trung Bộ, và từ toàn dân nói chung. Trong các bài viết của mình, tác giả phân tích, lý giải về các hiện tượng ngôn ngữ một cách thấu đáo và vô cùng thú vị.
Tập sách chia thành 3 phần:
a) Phần 1 chuyên về phân tích, giải thích sự khác biệt các hiện tượng từ vựng – ngữ nghĩa ở 2 miền Nam-Bắc;
b) Phần 2 là tập hợp ngữ liệu, những nhóm từ chính trong phương ngữ Nam Bộ;
c) Phần 3 là những bài viết tản mạn về ngôn ngữ, phân tích các tác phẩm văn chương của Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư để làm rõ hơn những đặc điểm thú vị trong tiếng nói Nam Bộ, lời văn Nam Bộ, đảm bảo tính chính xác khoa học nhưng lại giàu hình ảnh và cảm xúc, thể hiện sự cảm nhận tinh tế và tình yêu đối với ngôn ngữ – đặc biệt là tiếng Việt ở phương Nam – của tác giả.
-------------------------------------------------------------------------------------------
6. Vẻ Đẹp Ngôn Ngữ Vẻ Đẹp Văn Chương - Tiếng Việt Giàu Đẹp
Tập hợp những bài viết nghiên cứu về ngôn ngữ của nhà giáo Lê Xuân Mậu đã đăng trên các báo và tạp chí. Do đó nội dung các bài viết đề cập đến những hiện tượng ngôn ngữ, lời nói khá gần gũi trong xã hội, mang tính ứng dụng cao với những ví dụ cụ thể sinh động. Nội dung được trình bày khá dễ hiểu, giản dị, sinh động, súc tích, ít sử dụng các thuật ngữ khoa học hàn lâm. Các bài viết là những nghiên cứu, phát hiện khá lý thú về một số hiện tượng ngôn ngữ mang tính phổ quát và sức biểu cảm của ngôn ngữ nghệ thuật trong văn chương.
-------------------------------------------------------------------------------------------
7. Nỗi Oan Thì, Là, Mà - Nguyễn Đức Dân
Bài lủng củng, câu văn lắm thì, là, mà quá”. Phê thế đúng, nhưng thật ra cũng chỉ đúng một phần, bởi rất nhiều trường hợp không thể thay thì, là, mà bằng một từ nào khác được mà không làm câu văn mất đi vẻ sinh động, hoặc làm giảm hẳn nghĩa đi. Vậy cần minh oan cho chúng (trích lời giới thiệu của tác giả). Liệu tác giả có minh oan được. Câu trả lời là còn hơn thế, tác giả kiến giải thêm nhiều điều về Tiếng Việt. Có thể tìm đọc thêm: Đi tìm bản sắc Tiếng Việt (Trịnh Sâm), Một sợi rơm vàng (Đào Thản).
-------------------------------------------------------------------------------------------
8. Tiếng Việt Giàu Đẹp - Tình Ca Tiếng Nước Ta
“Trước mắt các bạn là một ‘Kính vạn hoa’ lấp lánh huyền ảo kỳ thú về tiếng Việt, là một bản ‘tình ca’ hai chương về ‘tiếng nước ta’.”
–GS, TS Nguyễn Đức Dân
-----------------------------
Ngôn từ duyên dáng, hóm hỉnh, “Tình ca Tiếng nước ta” của nhà văn, nhà báo Dương Thành Truyền là công trình nghiên cứu sưu tập những sáng tạo bất tận của người Việt trong quá trình duy trì và phát triển tiếng Việt.
Xuyên suốt “bản tình ca”, tác giả dẫn dắt người đọc vào hành trình khám phá tiếng nước ta từ văn chương thi phú ngàn xưa đến lời ăn tiếng nói thời hiện đại. Đó là những màn thách đối thâm nho của các bậc tiền nhân; bài thơ chữ Nôm đọc theo hình xoắn ốc; bài thơ vịnh Kiều có đến 1.728 cách đọc… hay câu chuyện tình 8.800 chữ toàn bằng ký tự T; chơi chữ song ngữ “See tình”; phong trào chế thơ, chế nhạc bắt trend; loạt tiếng lóng hài hước của dân nhậu, dân bóng đá; những thảm họa “khó đỡ” khi trót nói ngọng, nói lái… Bên cạnh đó, sách còn điểm qua nhiều câu chuyện văn chương lý thú. Tất cả tập hợp thành cả “một kho – một bồ chơi chữ”.
Thăng trầm qua bốn nghìn năm lịch sử, tiếng Việt ngày nay vẫn đang tiếp tục hoàn thiện vóc hình, với tất cả sự dí dỏm, thông minh, sáng tạo và tình cảm của nhân dân bao đời bồi đắp nên. Tác phẩm là lời tri ân đến mọi người con nước Việt đã và đang từng ngày làm nên sức sống mãnh liệt và vẻ đẹp lấp lánh của tiếng nước ta.
-----------------------------
Tác giả Dương Thành Truyền, còn có bút danh là Duyên Trường, là Hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Anh đã có 2 năm bộ đội, 5 năm dạy Văn, 10 năm làm sách, 12 năm làm báo, 25 năm công tác Đoàn Đội, 25 năm huấn luyện phát triển cá nhân.
Thường xuyên cộng tác với các báo Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Cuối Tuần và Tuổi Trẻ Cười trong các mục Tạp bút, Phiếm đàm, Du ký, Tiếng nước tôi, Ú… òa… tiếng ta, Câu chuyện văn hóa, Thời sự và Suy nghĩ…
Các sách đã xuất bản:
• “Ký ức về nước mắt và tiếng cười” (Tạp bút, NXB Trẻ, 1997)
• “Chuyện gái trai” (Tạp văn, NXB Trẻ, 2000)
• “Trên đường về nhớ đầy” (Du ký, NXB Trẻ, 2015, tái bản có bổ sung năm 2018)
• “Trái tim có hình hộ khẩu” (Phiếm đàm, NXB Trẻ, 2017)
• “Di chúc của Bác Hồ – một giáo trình tiếng Việt độc đáo” (Chuyên khảo, NXB Trẻ, 2017, in lần thứ sáu năm 2023)
• “Bắt đầu bằng để lại” (Tạp văn, NXB Trẻ, 2023, in lần thứ hai sau ba tháng phát hành
-------------------------------------------------------------------------------------------
9. Ăn, Uống, Nói, Cười Và Khóc - Trần Hiền Ân
Đây là tập sách biên khảo về hoạt động của cái miệng trên khuôn mặt con người. Thông qua các hoạt động Ăn, Uống, Nói, Cười và Khóc, tác giả dẫn trích những thuật ngữ, từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ liên quan đến các hoạt động đó của con người Việt Nam.
Có thể nói đây là một công trình khá thú vị trên một số hoạt động của các miệng người ta thường ngày tưởng vô cùng đơn giản nhưng cực kỳ phong phú, đa dạng và súc tích. Từ đó ta càng hiểu hơn tại sao ông bà ta thường dạy muốn làm người bình thường, phải “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Trong 4 cái cần phải học đó, 2 cái học đã liên quan đến hoạt động của cái miệng con người rồi.
-------------------------------------------------------------------------------------------
10. Muôn Màu Lập Luận - Tiếng Việt Giàu Đẹp - Nguyễn Đức Dân
Chúng ta lập luận khi tranh luận về những điều khoản trong một văn bản pháp lý, trong một hợp đồng thương mại hay tranh tụng tại tòa án; các đại biểu quốc hội tranh luận khi thông qua hay bác bỏ một đạo luật. Một trong những lý do khiến chúng ta không có nhiều luật sư đủ khả năng tranh tụng tại một tòa án quốc tế, như nhiều người đã nhận xét, là năng lực lập luận còn yếu kém. Tập sách này cung cấp những kiến thức "nền" về lập luận với ví dụ minh họa, dẫn chứng sinh động từ những nguồn ngữ liệu có uy tín, sách chuyên ngành ngôn ngữ nhưng nội dung dễ hiểu, những bạn đọc quan tâm ở mọi trình độ có thể dễ dàng tiếp cận và ứng dụng những kiến thức này vào việc học tập, công việc cũng như trong đời sống. Những kiến thức sách cung cấp có tính ứng dụng cao, tạo thói quen và củng cố tư duy phản biện, đặc biệt hữu ích cho học sinh, sinh viên.
--------------------------------------------------------------------------------------------
11. Tiếng Việt - Lắt Léo Và Lịch Lãm - Tiếng Việt Giàu Đẹp - Lê Minh Quốc
“Một khi sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, hay ở bất cứ loại hình nghệ thuật gì, tôi nghĩ, chúng ta phải phấn đấu đạt đến tầm “rất Việt”: của người Việt, dành cho người Việt, vì người Việt. Khi đi đến sự tận cùng của bản sắc Việt, tinh hoa Việt thì mới có thể hòa nhập vào trong dòng chảy văn hóa của nhân loại. Vì lẽ đó, hơn bao giờ hết, một khi chúng ta cùng tìm về “linh hồn tiếng Việt” thì bao giờ tính thời sự này cũng bất biến theo năm tháng.” - Lê Minh Quốc
Tiếng Việt lắt léo thế nào, ắt ai cũng rõ. Cùng một từ, thế nhưng từ đất này qua xứ khác đã có nghĩa khác nhau. Cùng một sự vật / sự việc, nhưng mỗi nơi dùng từ mỗi phách. Tiếng Việt cũng khéo léo, “lượn lờ” ghê lắm, nhiều từ trải theo năm tháng, đã đổi thay, chuyển nghĩa, phai nghĩa, đến nay vẫn dùng đấy nhưng chẳng còn rõ nghĩa ban đầu ất giáp thế nào. Cái hay, cái khéo của tiếng Việt, phần nhiều ở chỗ lắt léo, lượn lờ đó.
Như một người đã đi nhiều, biết nhiều, hiểu nhiều, Tiếng Việt luôn luôn phát triển, và luôn luôn thay đổi. Cái “lịch lãm” của Tiếng Việt là ở chỗ đó, càng ngày càng mở rộng, càng ngày càng nhiều thêm. Kể cả những từ ta ngỡ đã mất đi, đã mai một theo năm tháng, thực tế vẫn “sống” và vẫn đồng hành cùng văn hóa Việt, con người Việt đó thôi.