Văn Hóa Người Việt Vùng Tây Nam Bộ - Trần Ngọc Thêm
1. Tây Nam Bộ là một vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển đặc biệt, con người đặc biệt, vai trò và sự đóng góp cho sự phát triển của đất nước cũng rất đặc biệt.
Song từ thập niên 1990, Tây Nam Bộ dường như đã chững lại, nếu không muốn nói là đi xuống trong một số mặt. Muốn tiếp tục phát triển, Tây Nam Bộ cần có một cú hích. Từ đầu thập niên 2000, Tây Nam Bộ đi tìm cú hích đó trong kinh tế và khoa học - kỹ thuật. Đương nhiên là kinh tế và khoa học - kỹ thuật là quan trọng. Nhưng hình như chưa đủ. Loay hoay với những biện pháp thuần túy kinh tế và khoa học - kỹ thuật, đồng bằng sông Cửu Long luôn gặp trước mặt mình những khó khăn buộc phải đi tìm những biện pháp kinh tế và khoa học - kỹ thuật mới để rồi lại tiếp tục gặp khó khăn mới rất tốn kém sức lực và tiền bạc. Nó gây cảm giác dường như sự phát triển của Tây Nam Bộ đã đụng trần. Các nhà kinh tế học gọi loại trần này là “trần thủy tinh” (glass ceiling), là “bẫy thu nhập trung bình” (middle-income trap).
Nhưng “bẫy thu nhập trung bình” thì có thể giải quyết bằng “kinh tế tri thức” (tức là khoa học), còn tấm trần này sở dĩ là “thủy tinh” không nhìn thấy được , có lẽ là vì nó chủ yếu được làm bằng một chất liệu tinh thần là văn hóa. Trong khi ta luôn xác định rằng “văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” (Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII, tháng 7-1998), “phát triển văn hóa là mục tiêu và động lực của phát triển kinh tế - xã hội” (Hội nghị lần thứ 10 BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX, tháng 7-2004), thì dường như chính chúng ta lại cũng thường quên văn hóa đầu tiên mỗi khi bàn đến sự phát triển cụ thể của một vùng miền. Đã bao năm nay, những nét tương đồng và khác biệt của Tây Nam Bộ với Đông Nam Bộ về địa lý, lịch sử, kinh tế, v.v., đã hiện lên khá rõ, song về văn hóa thì những đặc điểm văn hóa của Tây Nam Bộ, đặc điểm tính cách con người, tính cách văn hóa Tây Nam Bộ đáng tiếc là vẫn bị hòa lẫn trong trong một bức tranh mờ nhòa có tên chung chung là “Nam Bộ”.
Góp phần khắc phục hạn chế nêu trên chính là LÝ DO thúc đẩy nhóm tác giả thực hiện công trình này.
2. Công trình Văn Hóa Người Việt Vùng Tây Nam Bộ đặt ra bốn MỤC TIÊU:
1) Xây dựng một bức tranh tổng quan về các thành tố của văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ (văn hóa nhận thức, văn hóa tổ chức, văn hóa ứng xử).
2) Tìm hiểu hệ tính cách văn hóa đặc trưng để trên cơ sở đó nhận diện bản sắc văn hóa vùng của khu vực Tây Nam Bộ cùng các hệ quả và hậu quả, các điểm mạnh và điểm yếu của nó trong quá trình đi vào toàn cầu hóa và hội nhập.
3) Giúp hiểu rõ hơn văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ và trên cơ sở đó giúp giải thích các vấn đề khúc mắc nảy sinh trong muôn mặt đời sống văn hóa - xã hội hiện tại (như vấn đề phụ nữ Tây Nam Bộ lấy chồng nước ngoài, vấn đề giáo dục, vấn đề phát triển con người, v.v.).
4) Góp phần thực hiện chương trình “Bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập ở khu vực Nam Bộ” trong đề án nghiên cứu khoa học trọng điểm của Đại Học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh “Những vấn đề xã hội - nhân văn khu vực Nam Bộ giai đoạn 2005-2010” [Trần Ngọc Thêm (chủ nhiệm) 2006].
Hai mục tiêu đầu làm nên nội dung chính của công trình. Mục tiêu (3) và (4) được phái sinh từ hai mục tiêu chính này.
Với mục tiêu như thế, đề tài giới hạn PHẠM VI nghiên cứu trong không gian là vùng Tây Nam Bộ hay còn gọi là “đồng bằng sông Cửu Long”, chủ thể là tộc người Việt (điển hình cho cả vùng như một tộc người đông dân nhất, chiếm 92% dân số), và thời gian là giai đoạn cận hiện đại từ thế kỷ XVII đến nay (giai đoạn hình thành và phát triển văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ).
Các không gian ngoài vùng Tây Nam Bộ (vùng Đông Nam Bộ, miền Trung, miền Bắc, phương Tây); chủ thể ngoài tộc người Việt (người Khmer, Hoa, Chăm, người phương Tây); thời gian ngoài giai đoạn cận hiện đại (các giai đoạn Óc Eo, Phù Nam, Chân Lạp) có thể được nhắc tới để so sánh đối chiếu.
3. Với mục tiêu như đã trình bày, nội dung của công trình được BỐ CỤC thành ba phần: Phần Một (trình bày trong chương I) là cơ sở lý luận và thực tiễn; Phần Hai (trình bày trong ba chương II-III-IV) là các thành tố của văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ; và Phần Ba (trình bày trong chương V) là hệ thống các đặc trưng tính cách văn hóa của người Việt vùng Tây Nam Bộ.
Trong chương I, công trình đã xây dựng một khung lý thuyết, trong đó, lần đầu tiên đã định nghĩa một cách chặt chẽ các khái niệm công cụ như miền văn hóa, vùng văn hóa, văn hóa vùng, phân vùng văn hóa; đã xây dựng một phương pháp phân định ranh giới vùng văn hóa, phương pháp xử lý khu vực giáp ranh với các bước và các thao tác rõ ràng. Trên cơ sở đó, công trình đã xác định ba miền và tám vùng văn hóa Việt Nam, trong đó lần đầu tiên đã xác định một cách khoa học (trên cơ sở định vị K-C-T) rằng Tây Nam Bộ là một vùng văn hóa riêng biệt thuộc miền văn hóa Nam Bộ. Trong vùng văn hóa Tây Nam Bộ, lần đầu tiên đề tài phân hoạch được năm tiểu vùng: Phù sa ngọt, Giồng duyên hải, Ngập kín (Đồng Tháp Mười), Ngập hở (tứ giác Long Xuyên), và Ngập mặn (bán đảo Cà Mau).
Các chương II-III-IV dành cho việc trình bày hệ thống giá trị văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ theo ba thành tố: Chương II trình bày hai thành tố văn hóa nhận thức (nhận thức tổng quát, nhận thức về môi trường tự nhiên, nhận thức về môi trường xã hội) và văn hóa tổ chức (tổ chức đời sống tập thể gồm: gia đình - gia tộc, nông thôn, đô thị; và tổ chức đời sống cá nhân gồm: tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục - tập quán, văn hóa giao tiếp và nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật thanh sắc và hình khối). Chương III và IV trình bày thành tố thứ ba là văn hóa ứng xử với môi trường, trong đó chương III là ứng xử với môi trường tự nhiên (gồm ứng xử với đất và nước, với khí hậu - thời tiết, với động vật, và với thực vật), chương IV là ứng xử với môi trường xã hội (gồm Hòa nhập văn hóa Việt - Khmer - Hoa - Chăm, Giao lưu hội nhập với văn hóa Phật giáo, Giao lưu hội nhập với văn hóa Nho giáo, và Ứng xử với văn hóa phương Tây).
Chương V trình bày các đặc trưng tính cách văn hóa của người Việt vùng Tây Nam Bộ. Trên cơ sở xây dựng một khung lý thuyết riêng về giá trị và hệ giá trị văn hóa, tính cách và hệ tính cách văn hóa, công trình đã xác định và trình bày hệ thống tính cách văn hóa của người Việt vùng Tây Nam Bộ theo sáu đặc trưng: tính sông nước (hiểu là tính hòa hợp với môi trường sông nước), tính trọng nghĩa, tính bộc trực, tính bao dung, tính thiết thực, và tính mở thoáng.
Phần Kết luận điểm lại những kết quả chính trong ba phần của công trình, trong đó bộ khung lý thuyết sẽ giúp cho việc nghiên cứu văn hóa vùng từ nay về sau được thuận lợi hơn; hệ thống các thành tố và tính cách văn hóa Tây Nam Bộ sẽ giúp làm rõ hơn bản sắc một vùng văn hóa quan trọng của đất nước. Trên cơ sở đó, những định kiến lâu nay thường xếp Tây Nam Bộ vào số ba vùng “Tây” đội sổ (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) đã được xem xét đánh giá lại; kết luận rút ra ở đây là Tây Nam Bộ không nghèo, không ít học, và năng lực quản lý không hề kém, mà có việc thậm chí còn có phần ngược lại. Phần kết luận cũng cho thấy một nhận xét khác - dù mang tính tích cực - về Tây Nam Bộ rằng Tây Nam Bộ có khí hậu dễ chịu, đời sống dễ dàng và người thì dễ thương - cũng không còn chính xác. Từ thiên nhiên, khí hậu cho đến con người, không có cái gì là bất biến. Chất văn minh thì tăng lên, đời sống kinh tế thì có đi lên, nhưng thiên nhiên, khí hậu và một số mặt của con người thì đang có dấu hiệu đi xuống. Bởi vậy mà Tây Nam Bộ cần biết không chỉ khai thác mà còn phải lo nuôi dưỡng và phát triển cả tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên khí hậu và tài nguyên con người.