Sư phạm khai phóng
Sách “SƯ PHẠM KHAI PHÓNG - THẾ GIỚI, VIỆT NAM & TÔI” chia sẻ một số góc nhìn riêng của tác giả Giản Tư Trung và tổng hợp những phương pháp sư phạm từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ thế giới đến Việt Nam, từ đó mỗi người có thể tự hình thành nên một phương pháp sư phạm hiệu quả hơn và nhân văn hơn cho riêng mình trong mọi bối cảnh giáo dục.
Tác giả chọn khai thác “phương pháp sư phạm” vì đây là linh hồn và là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh, các thầy cô và từng ngôi trường ở bất cứ nơi đâu. Bởi lẽ, chúng ta muốn đào tạo ra những con người như thế nào thì cần áp dụng những phương pháp sư phạm tương ứng. Đồng thời, theo quan điểm của tác giả thì: “Dạy chính là giúp người khác học”, và “Khai phóng chính là khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng của mình”, thế nên, trọng tâm của phương pháp sư phạm chính là “giúp người khác học” thế nào để họ có thể “Tự lực Khai phóng” bản thân, có thể “Tự lực Khai mở Tâm trí và Giải phóng Tiềm năng” của chính mình.
Trong sự học thời nay, việc ta biết nhiều bao nhiêu chưa phải là điều quan trọng, mà quan trọng là ta làm được gì với những điều mình biết. Do vậy, cuốn sách này còn gợi mở những nguyên lý và phương pháp sư phạm mà các nhà trường, thầy cô và phụ huynh có thể cân nhắc và lựa chọn áp dụng trong bối cảnh giáo dục cụ thể, từ đó cải thiện công việc giảng dạy và sự nghiệp giáo dục của mình.
Đây là cuốn sách do Tác giả, Nhà hoạt động giáo dục, Tiến sĩ Giản Tư Trung dày công thực hiện trong suốt nhiều năm, với sự trợ giúp của các cộng sự ở Viện Giáo Dục IRED. Cuốn sách gần đây nhất của Ông là “Đúng Việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh” đã được tái bản đến lần thứ 11. Với tác phẩm tiếp theo này, Ông chuyên tâm đào sâu về giáo dục và sư phạm để tiếp tục sứ mệnh góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển của Giáo dục Khai phóng tại Việt Nam của Viện IRED.
ĐÔI DÒNG VỀ TÁC GIẢ GIẢN TƯ TRUNG
Tác giả Giản Tư Trung hiện là Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng Sách Hay và Chủ nhiệm Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Scholarship.
Ông nhận bằng Thạc sĩ về Nghiên cứu Phát triển tại Học viện Sau Đại học Geneva; Tu nghiệp về Chính sách Giáo dục Quốc tế tại Đại học Harvard; Tốt nghiệp Tiến sĩ về Giáo dục tại Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore; và tốt nghiệp Tiến sĩ về Giáo dục tại Đại học London (UCL).
Với những cống hiến của Ông cho giáo dục, Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới đã vinh danh Ông là một Nhà lãnh đạo toàn cầu trong vai trò là một Nhà hoạt động giáo dục.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Giáo Dục Hiện Đại : Trẻ em hiện đại tự sinh ra chính mình
Trong cuốn sách mới ra mắt Giáo dục hiện đại, ông lại gây ra luồng tranh cãi mới với lập luận: trẻ em hiện đại tự sinh ra chính mình.
Cũng trong sách này, ông khẳng định: nền giáo dục hiện đại chỉ thực sự là chính nó khi người thầy... không còn giảng nữa.
Mới mà không mới
Nền tảng của những lập luận này dựa trên các nguyên lý triết học được trình bày tuần tự bằng việc tiếp cận lịch sử và triết học, giới thiệu lần lượt các cặp phạm trù đối lập: Cái mới/ Cái cũ, Mục đích/ Phương tiện, Trực tiếp/ Gián tiếp, Kế thừa/ Phát triển, Bản năng/ Kinh nghiệm...
Ông dẫn dắt người đọc đi từng bước đến một khái niệm quan trọng: triết lý của thời đại, và từ triết lý của thời đại đến triết lý giáo dục của thời đại.
Nhận thức rằng người là thực thể tinh thần, và vì vậy, cơ thể người là vật chứa tinh thần, từ đó ông kết luận: Cây nào ra cây ấy/ Con nào ra con ấy/ Người nào ra người ấy. Nhận thức này là tiền đề trực tiếp cho lập luận: Trẻ em tự sinh ra chính mình. Trẻ em chính là chủ thể. Để trở thành chính mình, trẻ phải tự ăn, tự học.
"Để trưởng thành, em phải tự ăn; Để phát triển, em phải tự học" - ông viết.
Đến đây thì có lẽ không còn quá mới lạ. Chúng ta đều đã nói về việc thúc đẩy năng lực tự học, tự vận động cho trẻ trong những năm gần đây. Nhưng cái đáng nói chính là GS Hồ Ngọc Đại đã theo đuổi triết lý này và kiến tạo phương pháp để thực thi triết lý đó từ 45 năm trước.
Trường Thực nghiệm khai giảng khóa đầu tiên (năm học 1978 - 1979) chỉ có lớp Một, cho các em sinh năm 1972. Lễ khai giảng đơn sơ. Thầy trò và khách mời đều đứng trên khoảnh đất nhỏ, hai bên có hai băng treo dọc: "Đi học là hạnh phúc!" và "Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui!".
Giải thích cho khái niệm về công nghệ hóa quá trình giáo dục, ông cho biết: "Đọc Marx, tôi biết được bước nhảy vĩ đại của lịch sử là từ nền sản xuất tiểu nông, dựa vào kinh nghiệm của lão nông sang công nghệ sản xuất của nền sản xuất đại công nghiệp với hai công đoạn: thiết kế và thi công quá trình vật chất làm ra một sản phẩm.
Nhờ đó, lịch sử vượt bỏ cách làm ăn theo kinh nghiệm (của lão nông, của thợ cả) sang làm theo khoa học - công nghệ, từ thiết kế đến thi công. Bước nhảy vĩ đại đầu tiên của lịch sử là từ kinh nghiệm sang khoa học, từ tự phát sang tự giác.
Các cuộc cải cách giáo dục ở nước ta từ trước đến nay, không có ngoại lệ, đều xuất phát từ kinh nghiệm, xử lý bằng kinh nghiệm công thức cổ truyền do Khổng Tử để lại: thầy giảng giải - trò ghi nhớ, thầy là chủ thể - trò là đối tượng. Chủ thể - thầy "đổi mới" để giảng dễ hiểu hơn, đối tượng - trò ghi nhớ lâu hơn và dùng để thi cử.
Từ giảng sang không giảng
Công thức thầy giảng giải - trò ghi nhớ vốn là bạn đồng hành với cung cách làm ăn bằng kinh nghiệm: Con trâu đi trước/ Người cày theo sau. Các cuộc cải cách giáo dục từ trước đến nay, không có ngoại lệ, vẫn theo "truyền thống" dùng công thức ấy sao cho thầy giảng dễ hiểu - trò ghi nhớ dễ hơn, lâu hơn. Làm việc này, giỏi hơn cả là thầy luyện thi.
Giáo dục hiện đại thiết kế và thi công để cho mỗi học sinh trở thành chính mình, thành một cá nhân duy nhất, có một không hai trên hành tinh này.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là đổi mới tận nguyên lý triết học của nghiệp vụ sư phạm. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu thầy không giảng? Từ "giảng" sang "không giảng" thì mới là đổi mới căn bản và toàn diện!
Vượt bỏ công thức cũ: thầy giảng giải - trò ghi nhớ thì cái mới là gì? Đó chính là cách làm mới: thầy thiết kế - trò thi công; là "trẻ em tự mình làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình, vì chính mình, để trở thành chính mình".
Nguyên tắc cơ bản của nghiệp vụ sư phạm hiện đại là không đưa đến cho trẻ em sản phẩm làm sẵn, buộc phải chấp nhận (học thuộc lòng). Thầy hiện đại giao việc cho trẻ em làm. Trẻ em tự mình làm, làm theo trật tự của công nghệ giáo dục, chỉ làm một lần, chỉ tiêu dùng lượng thời gian cấp cho việc ấy.
Mỗi em tự làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình, lấy năng lượng mới cấp cho mình phát triển; không đưa sản phẩm làm sẵn đến cho trẻ em, buộc trẻ em phải chấp nhận.