Cách Nuôi Dạy Đứa Trẻ Dễ Cáu Giận, Khó Bảo - ROSS W.GREENE
“Dễ cáu giận” là một thuật ngữ dùng để miêu tả những trẻ dễ trở nên cáu giận, thường xuyên cáu giận và có những cách thể hiện sự tức giận của mình dữ dội hơn nhiều so với những trẻ “bình thường” khác. Từ dễ cáu giận ngụ ý rằng những cơn giận ở trẻ là bột phát, và không thể đoán định và có thể lúc đầu hơi khó tin nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Trong khi nhiều trẻ có hành vi thách thức sẽ bùng phát ra ngoài khi chúng giận dữ (như la hét, chửi bậy, đánh đấm, đá, cắn xé, nhổ bọt, v.v) thì ngược lại, nhiều trẻ khác lại giải tỏa hướng vào trong (như khóc, hờn dỗi, nhăn nhó, lo âu căng thẳng, buồn chán, thu mình lại hoặc gắt gỏng và cáu kỉnh).
Qua các chương đầu, bạn sẽ xác định đặc điểm tính cách của trẻ có hành vi thách thức – như bướng bỉnh, gian dối, lôi kéo sự chú ý, thăm dò các giới hạn, chống đối, không thỏa hiệp, thờ ơ – đều không chính xác và mang nặng thành kiến. Bạn cũng sẽ đọc được vô số điều mà chúng ta thường nói về những cha mẹ có con như thế – họ là những người thụ động, buông lỏng kỷ luật, thiếu kiên định, không rõ ràng, có những nguyên tắc không phù hợp – cũng đều không đúng và không hữu hiệu. Ngoài ra, bạn sẽ học được (hoặc có thể bạn cũng đã biết) là các chẩn đoán về tâm bệnh lý khác nhau thường về trẻ có hành vi thách thức không hề mang lại cho chúng ta những thông tin cần có để hiểu chính xác những khó khăn của trẻ và từ đó có phương pháp hiệu quả để giúp đỡ trẻ.
Cuốn sách Cách Nuôi Dạy Đứa Trẻ Dễ Cáu Giận, Khó Bảo được tái bản lần thứ 5, sau 10 năm xuất bản. Mô hình đưa ra trên những trang sách này đã được thực hiện bởi vô số gia đình, trường học, các tổ chức tâm thần nội trú và các trại giáo dưỡng dành cho cộng đồng và thanh thiếu niên trên khắp thế giới thực hiện hiệu quả. Nó được công nhận như một biện pháp can thiệp đã được chứng minh về mặt khoa học và dựa trên cơ sở nghiên cứu. Và mô hình này vẫn tiếp tục phát triển bởi tôi đã nhận được phản hồi từ những người đang sử dụng nó và cố gắng xác định các nguyên tắc và mục đích của nó theo những cách rõ ràng và dễ tiếp cận nhất.
Nếu con bạn là trẻ có các hành vi cáu giận, khó bảo thì cuốn sách này sẽ giúp bạn cảm thấy lạc quan và tự tin hơn trong việc giải quyết các khó khăn của con mình và lấy lại sự sáng suốt cho cả gia đình. Nếu bạn là ông bà, thầy cô giáo, hàng xóm, huấn luyện viên hoặc bác sĩ trị liệu của một đứa trẻ như thế thì cuốn sách này ít nhất cũng sẽ giúp cho bạn hiểu thấu hơn. Không có một phương thuốc chữa bách bệnh nào cả. Nhưng chắc chắn có động lực để hy vọng.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
2 Tập Dạy Con Trong Hoang Mang - TS. Lê Nguyên Phương
Chuyển hóa chính mình để giáo dục trẻ thơ
Chúng ta đang ở trong một giai đoạn mà sự bùng nổ của internet đã thay đổi cách nghĩ của các bậc cha mẹ về thế giới, về đất nước, và cả về nuôi dạy con cái. Nhiều thế hệ con trẻ sẽ lớn lên cùng với chính nhận thức của các bậc sinh thành, dưỡng dục hôm nay. Trong mười hoặc hai mươi năm tới, những biến chuyển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với thời đại của robot và các thiết bị điện tử tích hợp với cơ thể người sẽ thực sự thay đổi cách chúng ta tương tác với nhau. Liệu chúng ta đã thực sự sẵn sàng?
Giờ đây, bằng cuốn sách Dạy con trong "hoang mang", Anbooks mời quý độc giả nhìn lại một cách thẳng thắn vào các giềng mối giáo dục trong chính gia đình mình và những người xung quanh mình. Căn cứ vào những hiểu biết sâu sắc trên cơ sở khoa học, bằng việc đối chiếu những vấn đề dạy con của bố mẹ Mỹ và bố mẹ Việt Nam, chúng ta thấy rằng, thực sự, nỗi lo và gánh nặng của người làm cha mẹ trên khắp thế giới này cũng giống nhau. Không có một nền giáo dục hoàn toàn ưu việt và cũng chẳng có một nền giáo dục hoàn toàn lạc hậu, bằng tri kiến trên cơ sở khoa học và tình thương sáng suốt của mình, độc giả hãy “tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Chúng tôi ước mong quý độc giả sẽ tìm được “minh triết" cho chính mình trên hành trình làm cha mẹ.
Anbooks trân trọng giới thiệu đến quý độc giả thân mến một góc nhìn giáo dục và tâm lý từ Mỹ; một văn phong sắc sảo - lạ lẫm; một cách diễn đạt giao thoa giữa văn chương và lý luận khoa học; một người ứng dụng thiền trong chữa trị và tham vấn tâm lý.
Cuốn sách là tập hợp 30 bài viết giải đáp những vấn đề về giá trị và phương pháp giáo dục con trẻ của các bố mẹ và thầy cô Việt Nam được lý giải trên nền tảng kiến thức khoa học qua các nghiên cứu của các ngành tâm lý học giáo dục, tham vấn, và thần kinh.
Trong cuốn sách này, bạn đọc sẽ có cơ hội bắt gặp những từ vựng tưởng như đã “mất tích” trong dòng sách Việt Nam đương đại. Chúng tôi không cố biên tập chúng theo “khẩu vị" chung của bạn đọc hiện nay, bởi chúng tôi ước mong thông qua cuốn sách nhỏ bé này, những thế hệ bố mẹ trẻ sẽ tìm thấy sự cảm thông, chia sẻ với bố mẹ của mình, những người đang là ông bà nội ngoại của con cháu mình.
Anbooks kính chúc quý độc giả có được những trải nghiệm đặc biệt, sâu sắc với cuốn sách này.
Đây là một cuốn sách có thể nói là “khác lạ” tại Việt Nam khi hội tụ những yếu tố đặc biệt, mới mẻ:
* Để tác phẩm đạt được mục tiêu phục vụ các chuyên viên, thầy cô và phụ huynh, tác giả đã nỗ lực vượt qua được vai trò của một giảng viên đại học và chuyên gia tâm lý để đồng thời trở thành một nhà khoa học, người kể chuyện, người tư vấn, và người bạn đồng hành cùng độc giả qua trên 250 trang sách.
* Để tác phẩm được dễ dàng tiếp cận bởi nhiều thành phần độc giả khác nhau, qua 2 lần bản thảo, tác giả đã xây dựng được cho riêng mình lối văn tự sự với văn phong sắc sảo và độc đáo; khi lý luận khúc chiết, khi tâm sự tình cảm, khi tra vấn thách đố, khi châm biếm nhẹ nhàng. Trong tác phẩm, đôi khi tác giả còn sử dụng một số câu văn biền ngẫu, dùng bằng trắc và vần luật để tạo nhịp điệu đa dạng cho câu văn.
* Hành trình tìm được một “giọng văn” [voice] trong tác phẩm cũng là hành trình bộc lộ con người với cá tính đa dạng của tác giả đến với người đọc: một giọng đối thoại mà như độc thoại, một giọng văn chân tình, tha thiết, đầy thương yêu trong tác phẩm của mình.
* Như tâm sự của tác giả, quá trình hình thành tác phẩm cũng là hành trình “làm hòa với quá khứ tuổi thơ của mình” và tiến trình “dung hợp hai nền văn hóa Việt Nam và Âu Mỹ” của một nhà nghiên cứu khoa học, một chuyên gia về tâm lý giáo dục và học đường tại Mỹ, một người Việt Nam xa quê ước mong cống hiến cho quê nhà.
* Cuốn sách khơi gợi trách nhiệm “gạn đục khơi trong” của trí thức Việt Nam, những người chịu trách nhiệm lớn trong dòng chảy tri thức nước nhà.
* Cuốn sách cũng giúp phần nào trong việc nối liền những “đứt gãy thế hệ” vốn đang hiện hữu trong lòng mỗi gia đình Việt Nam, nơi có sự khác biệt lớn giữa thế hệ bố mẹ trẻ Việt Nam và thế hệ ông bà nội ngoại.
* Một cuốn sách chứa hơn 100 tài liệu tham chiếu chuyên sâu cho những thầy cô, bố mẹ có nhu cầu tìm hiểu thêm về chủ đề được đề cập tới.
*Là một phiên bản social book - phiên bản sách ứng dụng công nghệ tương tác mạng xã hội đầu tiên tại Việt Nam, do Anbooks sáng tạo và thực hiện.
* Những trích đoạn trong sách:
Lời BBT: Tại sao lại là Dạy con trong hoang mang?
Khi bắt tay vào thực hiện cuốn sách này, Ban Biên tập Anbooks đã tiến hành một khảo sát nhỏ, thông qua ứng dụng khảo sát của Google, để tìm ra những đề tài các bố mẹ đang quan tâm trong việc nuôi dạy con mình. Bảng khảo sát gồm 20 câu hỏi chính và để mở cho một số đề tài khác mà các bố mẹ bổ sung thêm. Kết quả, có 25 chủ đề các bố mẹ trên khắp cả nước quan tâm đã được đề cập đến trong cuốn sách này, ở dạng từng bài viết riêng lẻ. Trong cấu trúc 30 bài viết của cuốn sách này, có 5 bài viết do Ban Biên tập (BBT) gửi gắm thêm và đặt hàng tác giả.
Khi tất cả bài viết đã được định hình, BBT và tác giả phải cùng nhau đưa ra quyết định: đặt tựa cuốn sách là gì?
Dạy con trong hoang mang chính là tựa đề mà BBT Anbooks xin phép tác giả để được chọn, bởi với tính cách điềm đạm và sự chuẩn mực của một nhà nghiên cứu khoa học, tác giả đã chọn một tựa sách khác.
Dạy con trong hoang mang được chọn từ tựa đề một bài viết trong cuốn sách, cũng chính là điều thôi thúc BBT Anbooks thực hiện cuốn sách này. Xuất phát từ ước mong tìm kiếm cho độc giả những tri kiến về dạy con, tìm đến sự “minh triết tự thân” trong chính con cái mình, đạt được sự ung dung thanh thản trong vai trò làm cha mẹ, một “nghề nghiệp” trọn đời hết sức thiêng liêng nhưng cũng đem lại không ít đau khổ và thách thức.
Chúng ta đang ở trong một giai đoạn mà sự bùng nổ của internet đã thay đổi cách nghĩ của các bậc cha mẹ về thế giới, về đất nước, và cả về nuôi dạy con cái. Nhiều thế hệ con trẻ sẽ lớn lên cùng với chính nhận thức của các bậc sinh thành, dưỡng dục hôm nay. Trong mười hoặc hai mươi năm tới, những biến chuyển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với thời đại của robot và các thiết bị điện tử tích hợp với cơ thể người sẽ thực sự thay đổi cách chúng ta tương tác với nhau. Liệu chúng ta đã thực sự sẵn sàng?
Bằng cuốn sách Dạy con trong hoang mang, BBT Anbooks mời quý độc giả nhìn lại một cách thẳng thắn vào các giềng mối giáo dục trong chính gia đình mình và những người xung quanh mình. Căn cứ vào những hiểu biết sâu sắc trên cơ sở khoa học, bằng việc đối chiếu những vấn đề dạy con của bố mẹ Mỹ và bố mẹ Việt Nam, chúng ta thấy rằng, thực sự, nỗi lo và gánh nặng của người làm cha mẹ trên khắp thế giới này cũng giống nhau. Không có một nền giáo dục hoàn toàn ưu việt và cũng chẳng có một nền giáo dục hoàn toàn lạc hậu, bằng tri kiến trên cơ sở khoa học và tình thương sáng suốt của mình, độc giả hãy “tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Chúng tôi ước mong quý độc giả sẽ tìm được “minh triết” cho chính mình trên hành trình làm cha mẹ.
BBT Anbooks trân trọng giới thiệu đến quý độc giả thân mến một góc nhìn giáo dục và tâm lý từ Mỹ, một học giả Việt Nam đang sinh sống và làm việc trong ngành Tâm lý Học đường tại Mỹ; một văn phong sắc sảo - lạ lẫm; một cách diễn đạt giao thoa giữa văn chương và lý luận khoa học; một người ứng dụng thiền trong chữa trị và tham vấn tâm lý.
Trong cuốn sách này, bạn đọc sẽ có cơ hội bắt gặp những từ vựng tưởng như đã “mất tích” trong dòng sách Việt Nam đương đại. Chúng tôi không cố biên tập chúng theo “khẩu vị” chung của bạn đọc hiện nay, bởi chúng tôi ước mong thông qua cuốn sách nhỏ bé này, những thế hệ bố mẹ trẻ sẽ tìm thấy sự cảm thông, chia sẻ với bố mẹ của mình, những người đang là ông bà nội ngoại của con cháu mình.
Lời cuối, cho phép BBT Anbooks kính chúc quý độc giả có được những trải nghiệm đặc biệt, sâu sắc với cuốn sách này.
Trân trọng.
LỜI MỞ ĐẦU
Trong các cuộc tranh luận về việc giáo dục con trẻ hiện nay tại Việt Nam, có nhiều quan điểm khác nhau về khả năng tư duy và học tập của trẻ từ nhà trẻ cho đến hết trung học. Một số chuyên gia và giảng viên thuyết giảng/thảo luận trên mạng hay trên báo chí đã dùng một số kinh nghiệm cá nhân và đề cập đến các lý thuyết về trí tuệ, cảm xúc, đạo đức,… chẳng hạn lý thuyết phát triển trí tuệ của Jean Piaget, thuyết phát triển gắn bó của John Bowlby, thuyết phát triển tâm lý xã hội của Erik Erickson vv…, để dẫn chứng cho những luận điểm và phương pháp của mình. Nhưng có lẽ cơ bản và tiên quyết nhất trong nội dung của các thảo luận là vấn đề dạy con lối nào, không phải là cách nào. Câu hỏi này là ngọn của một câu hỏi gốc rễ hơn nữa, bạn muốn con bạn thành người như thế nào? Có biết đích đến mới biết đường đi là vậy.
Mỗi lần về Việt Nam là tôi lại thăm các nhà sách để xem các sách về dạy con mang nội dung gì. Quả thật, lướt qua các tựa đề kiểu trăm hoa đua nở trên kệ sách mà một người trong ngành như tôi cũng thấy hoa mắt hoang mang. Dạy con theo kiểu Mỹ, Dạy con theo kiểu Nhật, Dạy con theo kiểu Pháp, Dạy con theo kiểu Do Thái, hay Dạy con theo kiểu Đức... Cũng hơi lạ là chưa thấy các sách dạy con theo lối Trung Hoa hay Ả Rập.
Lật qua các cuốn sách này thì thấy lối trình bày theo lối kể chuyện, cũng hay là nó giúp phụ huynh có thể tiếp cận dễ dàng, dễ nhớ, dễ hiểu. Điều đáng lo ngại các “kiểu dạy con” này lại mang định hướng giáo dục dựa trên văn hóa và tập tục một quốc gia được xem là thành công trên thế giới hơn là dựa trên những lý thuyết nền tảng trong ngành tâm lý giáo dục và quan trọng nhất là kết quả nghiên cứu khoa học cập nhật. Đó là chưa nói tới chuyện ở một số cuốn, tác giả không phải dân chuyên môn, thiếu kiến thức nền tảng về giáo dục và tâm lý, và đưa ra những bài học mâu thuẫn hay cảm tính.
Ngay cả khi các lý thuyết phát triển tâm lý của trẻ ở giáo trình trong ngành cho các sinh viên cao học vào vận dụng đi nữa thì chúng ta cũng phải cẩn thận vì chúng chỉ có tính tham khảo và xây dựng kiến thức căn bản. Các lý thuyết này thường dựa vào các mẫu nghiên cứu rất giới hạn và được xây dựng vào thời kỳ việc thiết kế các thí nghiệm còn rất thô sơ, phần lớn do giới hạn phát triển kỹ thuật hỗ trợ và phương pháp nghiên cứu trong giai đoạn đó. Vì vậy, chúng ta có thể dùng chúng để suy diễn ra những hệ quả và thiết lập một công trình nghiên cứu kiểm chứng thì được nhưng dùng chúng như là định hướng chính trong một nền giáo dục thì quả thật còn nhiều thiếu sót. Kinh điển hay cổ điển không phải là chân lý vĩnh viễn. Chính vì vậy, không có quốc gia tiên tiến nào lại xây dựng một mô hình giáo dục toàn quốc hoàn toàn dựa trên lý thuyết phát triển của một lý thuyết gia nào đó, mà phải lập ra một hội đồng cố vấn gồm những nhà nghiên cứu và tổng duyệt các nghiên cứu cùng chung đề tài, để đề ra các khuyến cáo về chính sách. Tại Hoa Kỳ, chúng ta có thể thấy sự hiện diện của các hội đồng như: President’s Advisory Commission on Educational Excellence for Hispanics hay President's Advisory Commission on Educational Excellence for African Americans, v.v… trong vai trò này.
Nếu cần tiếp cận với các tài liệu chuyên môn, việc tham khảo các nghiên cứu trong các chuyên san sẽ giúp chúng ta có cái nhìn cập nhật hơn. Chỉ nói riêng về khả năng trí tuệ của con trẻ, những nghiên cứu gần đây cho thấy khả năng trí tuệ của con trẻ phát triển sớm hơn các lý thuyết cũ đã đề ra. Cách đây gần 20 năm khi làm luận án cao học về tư duy biện chứng [dialectial thinking], tôi đã ngạc nhiên khi tìm ra một công trình nghiên cứu ở Nga cho biết trẻ tiểu học đã có thể phát triển loại tư duy này, loại tư duy mà những nghiên cứu tiền phong tin rằng chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi và từng trải. Nghiên cứu về những đề tài cổ điển như khả năng trí tuệ bây giờ đã đi sâu vào từng khía cạnh riêng biệt của trí năng của trẻ như ký ức thị giác - không gian [visual spatial memory], tái lập thời gian [temporal reconstruction], v.v... mà chúng ta dù đang làm công tác chuyên môn cũng không biết và đọc hết.
Nếu được hỏi về một đề nghị khởi đầu cho hành trình tìm kiếm lối dạy con của các phụ huynh, câu trả lời của tôi sẽ là hãy tự chuyển hóa mình để giáo dục con. Hãy hóa giải những khổ đau trong tâm hồn mình, tăng trưởng trí tuệ trong trí não mình, và chú tâm hơn trong sinh hoạt hàng ngày của mình. Và đừng biến con thành phương tiện. Cho dù các nghiên cứu có phát hiện trẻ bây giờ có khả năng phát triển trí tuệ và học tập tốt hơn hay nhanh hơn chúng ta đã từng nghĩ, đó cũng không phải là lý do con em chúng ta là phương tiện để chúng phải hy sinh làm vật thí nghiệm và lối giải tỏa cho tham vọng, sợ hãi, mặc cảm của chúng ta. Chúng ta có thể mong con không phải khổ cực trong mưu sinh như chúng ta, nhưng không nên biến chúng thành những đền bù cho những gì chúng ta chưa làm được. Hãy ngưng suy nghĩ: “Thời xưa ba thèm là bác sĩ nên nay con phải đi học bác sĩ”, “Mẹ sợ nghèo đói nên con đừng bao giờ trở thành nghệ sĩ”, hay “Ba là nông dân cho nên con phải là luật sư để gia đình nở mày nở mặt”.
Quả là bất hạnh cho những đứa trẻ bị kéo căng hay gọt cụt trên chiếc giường Procrustes, trò chơi tàn bạo của tên cướp trong thần thoại Hy Lạp, để thực hiện những giấc mộng không thành của cha mẹ. Con cái của chúng ta không phải là cái nhà bên bờ hồ, chiếc xe bóng loáng mới nhập về, chiếc nhẫn kim cương, hay chuyến đi qua 6 nước châu Âu mà chúng ta thường khoe khoang trong các buổi giỗ tiệc, họp mặt gia đình hay bè bạn. Con cái không phải là Thượng Đế để chúng ta tôn thờ phục vụ, nhưng cũng không là tạo vật để chúng ta mặc tình chơi trò bóp nặn. Có một cái mà chúng ta có thể đã và đang thiếu, thì hãy giúp chúng có. Đó không phải là quyền lực, tiền bạc và danh vọng. Đó cũng không phải là bằng cấp, địa vị, hay tài sản. Đó là sự bình an trong tâm hồn, một tinh thần sáng suốt, trầm tĩnh và trong lành.
Điều đó không xa lắm với khuynh hướng giáo dục hiện đại. Nhiều nhà giáo dục trên thế giới đã có nỗ lực xây dựng những phương pháp giáo dục trẻ em tân tiến nhằm khắc phục những thiếu sót của phương pháp giáo dục cũ. Ngoài việc các phương pháp phi truyền thống này được xây dựng trên những lý thuyết giáo dục của Rousseau, Dewey, Piaget, Vygotsky,... chúng còn được xây dựng trên lý tưởng về một con người toàn diện và hạnh phúc, một thế giới hòa bình và thân ái. Điều đó đã được Giáo sư Carolyn P. Edwards trình bày khi giới thiệu qua ba phương pháp dạy trẻ xuất hiện sau Thế chiến thứ II, Wardolf, Montessori, và Reggio: “Tất cả ba phương pháp đại diện cho một lý tưởng công khai và quay lưng lại với bạo lực, hướng tới hòa bình và tái thiết. Chúng được xây dựng trên một tầm nhìn mạch lạc về biện pháp cải thiện xã hội loài người bằng cách giúp trẻ nhận ra tiềm năng đầy đủ của chúng là thông minh, sáng tạo, và con người toàn diện”.
Để đi tìm một giải pháp cho giáo dục trẻ con Việt Nam, nhất là giáo dục tại gia, có lẽ chúng ta cũng nên tích cực tìm kiếm, tham khảo, nghiên cứu những phương pháp giáo dục mới và thích hợp. Phụ huynh chỉ là người tiêu dùng, không phải ai cũng được trang bị đầy đủ tri thức để chọn được sản phẩm tốt và thích hợp cho con cái và gia đình mình. Nhiệm vụ “gạn đục khơi trong” những dòng nước đang tràn vào “ao nhà” chính là thuộc về trách nhiệm của tầng lớp chuyên gia và trí thức của nước nhà.
Cuốn sách bạn đang cầm trên tay chỉ là một đóng góp nhỏ của người đã đi xa nhưng còn thương mến chốn quên nhà, mong cùng chung sức với nhiều anh chị em chuyên gia và trí thức khác trong nước đang nỗ lực xây dựng các giá trị và triết lý giáo dục không chỉ cho mỗi gia đình mà còn cho cả nền giáo dục Việt Nam. Cuốn sách không dày nhưng nó cố gắng thảo luận về những vấn đề mà phụ huynh và thầy cô tại Việt Nam đang quan tâm hiện nay. Nếu quý bạn quan tâm về các định hướng dạy con chính, bài Dạy con lối nào sẽ giúp cho quý bạn một cách căn bản. Vấn đề về trí thông minh được thảo luận trong bài Thông minh là định mệnh, thành công và phương pháp học tập trong bài Mơ ước thủ khoa và Cái bị sách, các giá trị nhân bản và dân tộc trong Nở nụ từ tâm hay Nghiệp báo bất nhân, tương quan cảm xúc giữa cha mẹ và con cái trong Con theo phe cha, dạy con về thông minh, cảm xúc trong Suốt đời sợ hãi hay Con thuyền giấy tuổi thơ, v.v… Đây không phải là một cuốn sách về phương pháp dạy con dạy trò với những chỉ dẫn từng bước cụ thể cho cha mẹ hay thầy cô mà là một cuộc hành trình của tác giả với cha mẹ và thầy cô, đặc biệt trên con đường giá trị, thái độ, định hướng của chúng ta trong việc dạy con.
Cuốn sách này có thể không dễ đọc với một số độc giả vì mỗi bài là một nỗ lực của tác giả nhìn vấn đề từ nhiều khía cạnh, tâm lý lẫn triết học, thường nghiệm lẫn nghiên cứu, văn chương lẫn khoa học. Không chắc tác giả đã đạt được điều chính mình mong muốn hay sự mong muốn của độc giả, nhưng nỗ lực có một cái nhìn đa chiều chính là mục đích của tác giả. Vì thấy tuổi thơ trong quá khứ của mình và trung thành với tâm nguyện “chuyển hóa chính mình để giáo dục trẻ thơ”, tác giả cũng có thể sẽ làm một số độc giả thấy lạ lùng bối rối trong vài đoạn khi không biết tác giả đang nói về con trẻ hay về phụ huynh. Thật ra biên giới này chỉ là tương đối, khi biết rõ tâm trí của mình, chúng ta sẽ thấy con trẻ là hình ảnh phản chiếu của chúng ta, và nhất cử nhất động của chúng ta đều tương giao mật thiết với thế giới chung quanh, trong đó có trẻ. Chướng ngại cuối cùng cho độc giả có thể là từ ngữ và văn phong của tác giả. Bên cạnh những từ ngữ xuất hiện chỉ trong vòng vài chục năm trở lại đây trong nước, độc giả cũng có thể thấy xuất hiện trong sách những từ ngữ đã được sử dụng ở một phần đất nước trước kia và nay được dùng tiếp tục ở hải ngoại, những từ ngữ mới cho những khái niệm học thuật chưa được giới thiệu ở trong nước, và thậm chí cả những từ ngữ hay cách nói của cả ba miền. Về văn phong… thôi thì xin độc giả lượng thứ cho một người chuyên giảng dạy học thuật chuyên môn mà mạo hiểm qua lãnh vực sách vở thường thức này.