Tình Cuồng
Nếu còn sống thì năm nay (1998) Raymond Radiguet được 95 tuổi. Nhưng chàng đã qua đời từ 75 năm trước đây, năm 1923, khi chàng mới 20 tuổi.
Có lẽ Radiguet là thiên tài chết trẻ nhất trong lịch sử văn chương thế giới. Thiên tài yểu mệnh này đã để lại cho đời một tập thơ chứng tỏ tài nghệ bậc thầy, Les Joues en Feu (tác phẩm lôi cuốn sự chú ý và ngưỡng mộ của André Breton và các thi sĩ hàng đầu của trường phái siêu thực) và hai cuốn tiểu thuyết bất hủ, hai kiệt tác: Le Diable au Corps và Le Bal du Comte d’Orgel, cùng với vài tác phẩm nhỏ, ít bài báo lặt vặt. Chỉ có thế, nhưng quả thực Radiguet là một thần đồng thời danh, mà Jean Cocteau đã đem so sánh với Rimbaud bằng một câu bất hủ: Raymond Radiguet chia sẻ với Arthur Rimbaud cái đặc quyền ghê gớm là được làm một biểu tượng của nền văn học Pháp. Đúng thế, Rimbaud là thiên tài trong lĩnh vực thi ca thì Radiguet là thiên tài trong lĩnh vực tiểu thuyết. Chàng là thiên tài đã hoàn thành sự nghiệp văn chương lẫy lừng của mình trong khoảng thời gian ngắn ngủi, vài năm sau cùng trước khi đột ngột chấm dứt hẳn cuộc đời sớm tàn của chàng sau một cơn sốt thương hàn.
Raymond Radiguet đã viết Le Diable au Corps - mà độc giả đọc sau đây bản Việt ngữ với nhan đề Tình cuồng - bằng tâm hồn của một thi nhân đích thực.
Tình cuồng là cuốn truyện viết về tình yêu tàn bạo và thơ dại của một chàng trai với một cô gái mười chín tuổi vừa mới thành hôn trong lúc người chồng đáng thương của nàng hiện ở ngoài mặt trận xa xôi... Tình yêu đó có lắm lúc thật đáng ngờ vực mà cũng thật mãnh liệt. Tâm hồn chàng trai tàn bạo vừa đầy vẻ ngây ngô, rụt rè e sợ, lại đầy tính khốc liệt với những đòi hỏi quá quắt. Bên cạnh những giây phút run rẩy sùng kính người yêu, là những lúc chàng trai tỏ ra độc tài, nghiệt ngã. Song song với trẻ thơ thật thà bối rối, là những trò tinh ranh quỉ quái, dối trá, gian lận. Cuộc tình kết thúc trong bi thảm và ngộ nhận: cho đến lúc sắp lìa đời, Marthe vẫn gọi tên người tình, mà chồng nàng ngồi bên cạnh thì lại tưởng là nàng thương con và gọi tên đứa con đáng thương của anh ta! Tóm lại, nhân vật chính của Tình cuồng là một chàng trai có bề ngoài hiền lành, nhút nhát nhưng chứa trong mình cả một tâm hồn tinh quái của ma quỉ. Qua Tình cuồng, người đọc có thể thấy được vẽ nên dần dần, mỗi nét bằng một chi tiết, bằng một chuyển biến của câu chuyện, vóc dáng của người tình, sự miêu tả khung cảnh chỉ có tính cách phụ thuộc, chỉ cần thích nghi với nhân vật, với câu chuyện, lẽ ra thì thế, nhưng khung cảnh trong Tình cuồng lại quá hiện thực, và thực trạng hòa hợp với tưởng tượng lý tưởng tạo nên sự nhất trí, sự chặt chẽ và sự chính xác tuyệt vời cho cuốn truyện. Tình cuồng dù không nhiều đối thoại như đa số những tiểu thuyết ngày nay, vẫn có sức hấp dẫn mãnh liệt, do ở những biến chuyển của hoàn cảnh và của những tâm trạng phức tạp, mâu thuẫn của các nhân vật.
Sự thực quá đỗi thực của các nhân vật trong Tình cuồng do đâu mà có? Tác giả vị thành niên này - đã viết cuốn truyện trong khoảng giữa 16 và 18 tuổi - đã rút tỉa sự thực đó từ đâu ra? Nhiều người đương thời cho rằng Tình cuồng là một tiểu thuyết có tính chất tự truyện, có những liên hệ thực ở ngoài đời giữa cậu Radiguet và người vợ (từ lúc còn là vị hôn thê, như Marthe trong cuốn tiểu thuyết) của “Gaston S”, một nhân vật có thực hẳn hoi. Song Radiguet đã khẳng định trong một bài báo về cuốn Tình cuồng của chàng rằng: “Cuốn tiểu thuyết ái tình nhỏ bé này không phải là một lời thú tội và nhất là khi nó càng có vẻ là một lời thú tội như thế. Có một thói xấu rất người là chỉ tin ở sự thành thực của kẻ tự kết tội mình, thế mà, tiểu thuyết vốn đòi hỏi một sự khởi phục hiếm có trong đời sống thực, nên điều tự nhiên là chính một tự truyện giả hiệu lại có vẻ là tự truyện thực nhất”. Lời lẽ đó nhằm phủ nhận sự đồng hóa tác giả và nhân vật chính xưng “tôi” trong tiểu thuyết Tình cuồng.
Hai tháng sau khi được xuất bản, Tình cuồng nhận được giải thưởng Tân Thế Giới của châu Mỹ, với thẩm định của hội đồng chấm giải gồm đa số là những nhà văn lớn đương thời. Và cuốn sách này trở thành một trong vài cuốn sách bán chạy nhất thời kỳ sau Đệ Nhất thế chiến. Năm 1952, những nhà văn và phê bình gia như Jacques Laurent, Robert Kanters, Roger Nimer, Gilbert Ganne... đua nhau ca ngợi Raymond Radiguet là một tiểu thuyết gia vĩ đại nhất của muôn đời.
Giá trị nội tại của Tình cuồng chứng tỏ sự trưởng thành và do đó tác giả đã mặc nhiên chối bỏ cái hời hợt thường thấy ở tuổi mới lớn. Mà tác giả quả đã không những bỏ rơi tuổi của mình (cả trong thái độ hàng ngày: chàng luôn luôn tăng thêm cho chàng hai ba tuổi, khi có ai hỏi chàng bao nhiêu tuổi), còn bỏ rơi cả thời đại của mình.
Bạn đọc trẻ hôm nay có thể thấy qua tác phẩm một chuyện kể về sự cuồng dại trong tình yêu đầu đời của một tâm hồn niên thiếu, một hiện thực của tuổi mới lớn dẫu ở thế hệ nào cũng có thể xảy ra. Một lứa tuổi không bao giờ thấy mình được yêu đầy đủ - Nhưng liệu người ta có đạt tới sự trưởng thành, già dặn khi thiếu hẳn sự hiểu biết về cuộc sống? Và người ta có thể sống một cuộc phiêu lưu của người lớn với một tâm hồn trẻ thơ? Bi kịch, ngộ nhận, và tội lỗi, là những điều có thể nào tránh khỏi?